Thị trường hàng hóa
Tiếp thị truyền miệng và trải nghiệm khách hàng
Theo định nghĩa từ Anderson (1988), tiếp thị truyền miệng (Word of mouth) là hình thức truyền thông giữa hai bên liên quan tới việc đánh giá sản phẩm, dịch vụ mà không có sự can thiệp của quảng cáo. Tiếp thị truyền miệng xảy ra khi khách hàng có trải nghiệm tốt về sản phẩm và họ giới thiệu với người khác về sản phẩm đó. Chiến lược này chỉ phát huy tác dụng khi doanh nghiệp giành được sự tin tưởng của khách.
Trước đây, tiếp thị truyền miệng được lan truyền từ người này sang người khác thông qua những cuộc nói chuyện nhỏ. Ngày nay, chiến lược marketing này sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm công cụ chính.
Trong khi các thương hiệu phải chạy những chiến dịch quảng cáo tốn nhiều thời gian và tiền bạc mới giành được niềm tin của khách hàng, thì những lời khuyên từ người thân, bạn bè lại có khả năng thúc đẩy mọi người rút ví chi tiêu mạnh mẽ hơn.
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy 92% khách hàng dễ tin tưởng vào các sản phẩm và dịch vụ do những người thân thiết giới thiệu hơn là quảng cáo. Trong khi đó, 88% người tiêu dùng nói rằng họ tin vào các đánh giá trực tuyến.
Theo một cuộc khảo sát khác do RRD thực hiện với 1.000 người tham gia, 55% tìm hiểu về sản phẩm thông qua truyền miệng. 40% đã mua hàng dựa trên những đề xuất đó.
Ưu điểm nổi bật nhất của tiếp thị truyền miệng là tiết kiệm chi phí. Chính khách hàng sẽ là những người quảng bá sản phẩm. Các đánh giá và nhận xét tích cực do khách hàng để lại sẽ thuyết phục những người đang phân vân tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, từ đó giúp tăng doanh số bán hàng, đồng thời củng cố uy tín cho thương hiệu.
Thực hiện chiến lược tiếp thị truyền miệng có nghĩa là lôi kéo các tương tác với sản phẩm của doanh nghiệp và để cho khách hàng nói về chúng một cách tích cực. Dưới đây là một số hình thức tiếp thị truyền miệng mà doanh nghiệp có thể áp dụng.
Các chương trình giới thiệu cho khách hàng thân thiết: Một số công ty cung cấp các ưu đãi giới thiệu đặc biệt cho khách hàng khi chia sẻ với bạn bè về sản phẩm của công ty. Khách hàng có thể được hoàn lại tiền hoặc nhận voucher giảm giá khi người được giới thiệu sản phẩm mua hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội với quy tắc tham gia bao gồm theo dõi trang cá nhân của thương hiệu, sau đó gắn thẻ một người bạn. Người chiến thắng sẽ được chọn ngẫu nhiên và nhận được phần thưởng là bộ sản phẩm miễn phí. Những ưu đãi này vừa giữ chân các khách hàng cũ, vừa thu hút thêm những người mua mới.
Khuyến khích nội dung do người dùng tạo: Để làm được điều này, hãy làm cho những người theo dõi biết rằng thương hiệu rất trân trọng phản hồi từ khách hàng. Một câu đơn giản "Hãy gắn thẻ chúng tôi vào bức ảnh yêu thích của bạn bên cạnh sản phẩm” sẽ khuyến khích những người theo dõi thể hiện lòng trung thành với thương hiệu.
Tặng kèm sản phẩm miễn phí để đổi lấy đánh giá: Trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn có cung cấp các dịch vụ tặng kèm các sản phẩm miễn phí để đổi lấy đánh giá của người tiêu dùng. Mặc dù không có quy định nào về việc đánh giá phải nói tốt cho sản phẩm, nhưng những người dùng thường để lại những bình luận tích cực có thể giúp truyền bá nhận thức về thương hiệu.
Cộng tác với các influencer (người có sức ảnh hưởng): Nhiều thương hiệu thường tặng sản phẩm cho các influencer để họ dùng thử và chia sẻ trải nghiệm tới những người theo dõi của họ. Ngoài ra, những nhân vật trực tuyến này có thể cung cấp các liên kết tới kênh bán hàng hoặc mã giới thiệu các chương trình khuyến mãi.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm