Thị trường hàng hóa
Với 184 tỷ USD, người đàn ông 73 tuổi người Pháp và gia đình đã vươn lên dẫn đầu danh sách tỷ phú của Forbes, vượt qua ông chủ của Tesla là Elon Musk. Đây đã là lần thứ 2, vị tỷ phú lịch lãm này vượt qua một tỷ phú công nghệ để chiếm ngôi vị giàu nhất thế giới, khi đã từng vượt qua ông chủ Jeff Bezos của Amazon vào tháng 5/2021.
LVMH là tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới tự hào có hơn 75 thương hiệu được mua lại trrong nhiều năm. Chúng bao gồm một số cái tên dễ nhận biết nhất trong lĩnh vực thời trang và hàng xa xỉ, từ Louis Vuitton và Kenzo đến Moet Hennessy và Tiffany.
"Một phẩm chất thiết yếu trong gia đình chúng tôi là sự kiên nhẫn", ông Arnault nói trên truyền hình vào năm 2012. "Tôi không vội", ông khẳng định.
Một thập kỷ sau, doanh thu hàng năm của LVMH đã tăng hơn gấp đôi lên hơn 64 tỷ euro. "Chúng tôi có thể tiếp tục phát triển nhưng hãy kiên nhẫn", ông nói với Radio Classique của Pháp.
Ông Arnault sinh ra ở thành phố Roubaix, miền Bắc nước Pháp vào ngày 5/3/1949 và gia nhập công ty xây dựng của cha mình ở tuổi 22. Ông rời trường Ecole Polytechnique ưu tú và thuyết phục cha mình chuyển đổi công việc kinh doanh xây dựng sang phát triển bất động sản.
Năm 1981, sau khi nhà xã hội chủ nghĩa Francois Mitterrand đắc cử Tổng thống, ông Arnault rời Pháp sang Mỹ. Khi trở lại ba năm sau đó, ông đã mua lại công ty dệt Boussac đang ngập trong nợ nần, với lời hứa sẽ cứu công nhân khỏi tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, ông bắt tay vào việc tổ chức lại công ty một cách quyết liệt, chỉ giữ lại một số hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm cả thương hiệu nổi tiếng Christian Dior. Khi đó, ông Arnault 35 tuổi.
“Cha tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi đến gặp ông ấy và nói chúng ta sẽ chuyển hướng và cố gắng đầu tư vào thứ gì đó hứa hẹn hơn, như Christian Dior'", ông kể lại.
LVMH ra đời từ sự hợp nhất vào năm 1987 của nhà sản xuất rương Louis Vuitton và tập đoàn rượu vang và rượu mạnh Moet Hennessy. Ông nắm quyền kiểm soát tập đoàn vào năm 1989 sau hơn 17 thủ tục pháp lý.
“Ông ấy là một nhà đàm phán cứng rắn không ai sánh kịp, một người có tầm nhìn xa, biết cách thu phục những người giỏi và cuối cùng luôn đạt được thành công của mình bằng cách này hay cách khác”, Ông Arnaud Cadart, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Flornoy, nhận định.
Tuy nhiên, cuộc đời của ông Arnault không phải là không có một số thất bại. Ông đã để mất hãng thời trang và đồ da Gucci của Ý vào tay đối thủ người Pháp Francois Pinault, người đứng đầu tập đoàn PPR, vào năm 1999.
Ông Arnault cũng thất bại trong việc tiếp quản Hermes bằng cách bí mật mua cổ phần trong công ty. Năm ngoái, LVMH đã trả khoản tiền phạt 10 triệu euro để chấm dứt cuộc điều tra gián điệp.
Arnault là một tỷ phú điềm đạm và có một cuộc sống khá kín đáo. Dù sở hữu công ty cung cấp phần lớn các sản phẩm thời trang cho hàng nghìn ngôi sao và các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, song ông rất ít khi xuất hiện trên truyền thông, cũng như gần như không vướng vào sự cố đời tư nào đáng kể để có thể bị đưa lên mặt báo.
Dẫu vậy, sự sang trọng và đặc biệt phong cách lịch thiệp của Arnault vẫn có một sức hút rất lớn, được ngay cả các lãnh đạo hàng đầu thế giới ngưỡng mộ. Năm 2011, ông được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại Nhà Trắng; gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow 5 năm sau; cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cắt băng khánh thành Quỹ Louis Vuitton, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump cũng cắt băng khánh thành một xưởng sản xuất của Vuitton ở Texas.
Và khi cửa hàng bách hóa Samaritaine lịch sử, thuộc sở hữu của LVMH, mở cửa trở lại vào năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là khách mời danh dự. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông, ông trùm xa xỉ có quyền gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu.
Ông Arnault có năm người con, tất cả đều làm việc cho LVMH, nhưng chưa có chuyển giao quyền lực. Mỗi tuần, ông ấy đều đi tham quan tất cả các công ty có trụ sở tại Paris của tập đoàn.
Tại cuộc họp chung gần đây nhất, giới hạn độ tuổi cho vai trò giám đốc điều hành LVMH của ông đã được kéo dài đến 80 tuổi, đảm bảo tập đoàn xa xỉ vẫn nằm trong tay gia đình.
Ông kết hôn với một nghệ sĩ piano và cùng thành lập Quỹ Louis Vuitton, một trong những địa điểm triển lãm nghệ thuật đương đại uy tín nhất ở Paris.
Arnault là minh chứng cho thấy trong thế giới thời đại 4.0, các lĩnh vực kinh doanh sản xuất cổ điển vẫn có thể thành công ngoạn mục. Tài sản của họ không thể phát triển thần tốc chỉ trong một đêm như các tỷ phú công nghệ, song lại vững vàng và ổn định hơn.
Như đã biết trong một năm qua, hầu hết các tỷ phú công nghệ như Elon Musk, Mark Zuckerberg hay những ông chủ của Google đều sụt giảm doanh thu, thậm chí mất một phần lớn tài sản bởi sự suy thoái toàn cầu. Ngược lại, Arnault và tập đoàn LVMH của ông vẫn có những bước phát triển bền vững.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm