Thị trường hàng hóa
Chu Quần Phi sinh năm 1970 tại một làng quê nghèo thuộc thành phố Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mẹ mất từ khi mới lên 5, bố không may bị thương dẫn đến mù hai mắt, từ nhỏ Chu Quần Phi đã phải đi làm thêm để phụ bố nuôi các em. May mắn thay, ông Chu là người đàn ông mạnh mẽ. Dù mất đi thị lực, ông vẫn cố gắng học nhiều nghề thủ công khác nhau để kiếm tiền chu cấp cho gia đình. Nghị lực của cha đã rèn luyện cho Chu Quần Phi một ý chí kiên cường và tinh thần ham học hỏi.
Năm 1984, nhận thấy gia đình không có đủ tiền đóng học phí, bà Chu đã tự động xin thôi học và đến Thâm Quyến tìm việc. Cô gái 15 tuổi trở thành công nhân tại một công ty chuyên chế tạo mặt kính của đồng hồ. Dù ban ngày bận rộn đi làm, tối đến Chu Quần Phi vẫn tham gia các khóa học bồi dưỡng kỹ năng và nhận được các chứng chỉ tin học, chứng chỉ khai báo hải quan và cả bằng lái xe hạng B. “Tiếng Anh của tôi không tốt. Khi đăng ký lớp học tiếng Anh, tôi lại có nhận được một cơ hội việc làm tốt hơn nên đã từ bỏ việc học tiếng Anh. Đây là hối tiếc lớn nhất của tôi”, bà Chu nói.
Công ty gia công đồng hồ có quy mô rất nhỏ. Đó là một tòa nhà ba tầng dài chưa đầy 1.000m, tất cả trang thiết bị được tân trang lại từ những máy móc cũ, tay nghề của công nhân chưa hoàn thiện, các nhân viên ăn ở và làm việc ngay tại đó. Với tinh thần ham học hỏi, Chu Quần Phi nhanh chóng nắm rõ các công đoạn và quy trình sản xuất mặt kính đồng hồ. Sau 3 tháng, bà cảm thấy không còn học hỏi được gì từ công việc này nên quyết định xin thôi việc. Thế nhưng, bà Chu không ngờ rằng chính lá đơn xin từ chức ấy lại trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình.
Giám đốc công ty Dương Đại Đại đã vô cùng xúc động khi đọc lá thư viết tay của Chu Quần Phi. Ông nhận ra đây là một nhân tài nên đã đến gặp trực tiếp để thuyết phúc bà Chu quay trở lại và hứa hẹn sẽ giao cho bà quản lý bộ phận in lụa trên mặt kính mới thành lập trong công ty. Nữ công nhân trẻ không có lý do gì để từ chối lời đề nghị tăng lương và thăng chức này.
Chu Quần Phi đã rời nhà máy sản xuất thấu kính vào năm 1993 để bắt đầu con đường kinh doanh của riêng mình. Tháng 3 cùng năm, bà Chu cùng một số người thân trong gia đình đã bỏ ra 20.000 nhân dân tệ (70 triệu VNĐ) thuê một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố và tự thành lập xưởng sản xuất màn hình.
Những ngày đầu khởi nghiệp không hề dễ dàng do chưa có danh tiếng. Chu Quần Phi phải đi khắp nơi để tìm kiếm khách hàng nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu đầu lạnh lùng. Không từ bỏ, bà đến từng gặp khách hàng để giới thiệu về sản phẩm của mình. Nhờ vậy, chỉ sau 1 năm, công ty nhỏ của bà Chu đã tạo ra doanh thu gần 600.000 nhân dân tệ (2,1 tỷ đồng). Công việc kinh doanh khá khẩm hơn khiến bà phải thuê thêm nhân công. Năm 2001, công ty của bà Chu có sự đột phá lớn khi ký được hợp đồng về sản xuất màn hình cho các thiết bị điện tử của Tổng công ty TCL Trung Quốc.
Đến năm 2003, Chu Quần Phi quyết định thành lập công ty Lens Technology, chuyên cung ứng và sản xuất màn hình điện thoại di động. Công ty đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh và giành được hợp đồng với Motorola. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm đen tối nhất cuộc đời bà Chu.
“Một đối thủ kinh doanh đã ghen tị với chúng tôi. Công ty đó đã hợp tác với nhà cung cấp nguyên liệu thô và cố gắng loại bỏ tôi khỏi cuộc chơi. Nhà cung cấp đã bất chấp các định mức của ngành và yêu cầu chúng tôi thanh toán toàn bộ chi phí trước khi giao nguyên vật liệu”, bà Chu kể lại.
Nữ doanh nhân buộc phải bán nhà và tất cả tài sản có giá trị để thanh toán tiền hàng nhưng vẫn không đủ. Trong giây phút tuyệt vọng, Chu Quần Phi từng nghĩ quẩn khi đứng trên sân ga Hung Hom ở Hong Kong. Nhưng rồi cuộc điện thoại của con gái đã kéo bà về với thực tại. “Tôi nhận ra rằng mình còn gia đình và các nhân viên. Tôi không thể từ bỏ. Tôi phải tiếp tục”, bà Chu nói. Sau đó, bà đã gửi một email cho Motorola nhờ giúp đỡ và đã vượt qua được khủng hoảng.
Năm 2007 được coi là bước ngoặt lớn nhất đối với Lens Technology khi có được hợp đồng với Apple. Sau khi trở thành đối tác của ông lớn công nghệ Mỹ, công ty của Chu Quần Phi chính thức vươn mình ra thế giới.
Vào tháng 3/2015, Lens Technology đã niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Sau 7 năm, công ty hiện có vốn hóa thị trường 19,7 tỷ USD. Ngoài Apple, khách hàng lớn của công ty bao gồm Samsung, Huawei, LG, Microsoft, Nokia và thậm chí là cả Tesla.
“Nhiều người sẽ bị giáng một đòn mạnh vào sự tự tin khi gặp phải những thất bại, nhưng chìa khóa thành công là phải kiên trì, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất”, nữ doanh nhân chia sẻ.
Người trong nghề gọi Chu Quần Phi bằng biệt danh “Anh Phi” vì họ cho rằng bà cứng rắn như một người đàn ông. Nữ tỷ phú từng có buổi dã ngoại cùng 20 quản lý của công ty. Họ leo lên đỉnh núi Dawei ở Trung Quốc, cao hơn 5.000 feet so với mực nước biển. Một vài người muốn bỏ cuộc khi đang ở trên lưng chừng ngọn núi. Tuy nhiên, Chu Quần Phi đã phản đối và nói rằng họ phải tiếp tục đi tiếp.
“Bởi vì khi bạn bỏ cuộc giữa chừng, bạn sẽ không có can đảm để quay lại và bắt đầu lại từ đầu. Chỉ khi kiên trì, chúng ta mới có thể thành công. Đừng bỏ cuộc chỉ vì một khó khăn”, bà Chu nói.
Thành công của Lens Technology giúp Chu Quần Phi trở thành một trong số những tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản lên tới 5,6 tỷ USD. Đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, nữ doanh nhân không quên quê hương nghèo khó của mình. Chu Quần Phi đã cho xây dựng một nhà máy tại nơi mình sinh ra và lớn lên, tạo công ăn việc làm cho 10.000 người dân tại địa phương.
Trong gần 30 năm hoạt động kinh doanh, Chu Quần Phi cũng chưa bao giờ nợ lương người lao động. Lúc khó khăn nhất, bà đã bán 2 căn nhà để trả lương cho các công nhân.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm