Thị trường hàng hóa
Startup công nghệ năng lượng tái tạo
Alice Min Soo Chun từng là một giáo sư đại học giảng dạy chuyên ngành kiến trúc và công nghệ vật liệu tại nhiều đại học danh giá như MIT, Columbia, Pennsylvania và Yale. Bà đã cùng các sinh viên của mình xây dựng và thử nghiệm các nguyên mẫu để tìm ra một vật liệu có hiệu quả tốt nhất về chức năng và độ bền. Kết quả là sự ra đời của công ty công nghệ năng lượng Solight Design.
Alice Chun bắt đầu tập trung vào công nghệ năng lượng mặt trời và tìm cách tạo ra các giải pháp năng lượng sạch khi biết con trai mình mắc bệnh hen suyễn. Mong muốn những đứa trẻ không phải tiếp tục hít thở không khí ô nhiễm đã thôi thúc bà phát minh ra một chiếc đèn lồng năng lượng mặt trời có thể đóng gói, bơm hơi và nổi trên mặt nước nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Bà Chun nhận ra rằng sức khỏe, môi trường và nghèo đói có liên hệ chặt chẽ với nhau. Và một giải pháp đơn giản như những chiếc đèn lồng của Solight có thể giải quyết cả ba vấn đề đó.
Là một nữ doanh nhân và nhà phát triển sản phẩm non trẻ, Alice Chun phải đối mặt với nhiều thách thức khi bắt đầu khởi nghiệp. Khao khát được làm việc thiện và giúp đỡ những người gặp khó khăn đã giúp bà tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình.
“Đối với bất kỳ ai muốn trở thành một doanh nhân, tôi nghĩ điều đầu tiên bạn phải làm là thực sự nghĩ về cách bạn có thể giúp đỡ mọi người và cách bạn có thể giải quyết các vấn đề để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”, Alice Chun chia sẻ.
Nữ CEO cho biết khởi nghiệp luôn khó khăn vì tính cạnh tranh cao và khối lượng công việc khổng lồ. Bà Chun nói: “Bạn phải thực sự tin vào những gì bạn đang làm. Nếu không, bạn sẽ bỏ cuộc”.
Hành trình thắp sáng hành tinh
Sau khi nghiên cứu, Alice Chun nhận ra rằng ô nhiễm trong môi trường đô thị chủ yếu đến từ việc tiêu thụ năng lượng và xây dựng – những hoạt động tạo ra 75% chất ô nhiễm trong không khí. Do đó, nữ doanh nhân bắt đầu tập trung vào năng lượng mặt trời như một cách để giải quyết tình trạng môi trường.
Các thảm họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên hơn, chẳng hạn như lũ lụt do bão Katrina, sóng thần tấn công ở Nhật Bản, và sau đó là trận động đất ở Haiti. Tất cả đã nuôi dưỡng trong Alice Chun mong muốn tìm ra giải pháp cho bóng tối do thiếu điện gây ra.
Bà bắt đầu may các tấm pin năng lượng mặt trời lên các loại vải khác nhau nhằm đổi mới công nghệ, tạo ra vật liệu nhẹ hơn với công năng mạnh hơn. Các sản phẩm của Solight là nguồn sáng LED di động có thể sạc lại bằng năng lượng mặt trời. Chúng được làm từ vải buồm PET có thể tái chế với độ bền cao, có thể nổi trên mặt nước.
Nếu được sạc 8 giờ dưới ánh sáng mặt trời, một chiếc đèn có thể chiếu sáng 8 giờ trong bóng tối. Cường độ ánh sáng thay đổi tùy theo sản phẩm và dao động từ 40-600 lumen.
Nhà phát minh đã nghiên cứu từng sản phẩm đèn năng lượng mặt trời trên thị trường. Tất cả chúng đều to, cồng kềnh và nặng nề. Vì vậy, bà đã tận dụng kỹ năng gấp giấy origami khi còn bé để tạo ra những chiếc đèn có thể gấp lại gọn gàng.
Dự án này bắt đầu ngay sau khi thảm họa động đất Haiti xảy ra vào năm 2010. “Tôi đã biến phòng nghiên cứu của mình tại Đại học Columbia thành một studio hiện đại để giúp đỡ Haiti. Và chúng tôi nhận ra rằng Haiti chỉ là một mô hình thu nhỏ của những gì đang diễn ra trên toàn cầu. Với 2,6 tỷ người trên thế giới đang sống mà không có điện, họ sử dụng dầu hỏa để thắp sáng vào ban đêm, đây là một loại nhiên liệu độc hại chết người”, Alice Chun chia sẻ.
Đốt dầu hỏa khiến 2 triệu trẻ em tử vong hàng năm do hen suyễn, các vấn đề về hô hấp và hít phải khói độc. Ở Haiti, nơi diễn ra nạn đói cùng cực, người dân sống chỉ với 3 USD/ngày, nhưng họ phải chi tới 30% thu nhập cho dầu hỏa để thắp sáng.
"Đó là thời điểm tôi bắt đầu trở thành một doanh nhân xã hội. Họ có thể tiết kiệm tiền mua dầu hỏa thắp và thay vào đó mua thức ăn cho con cái và chi trả cho các nhu cầu khác”, nữ CEO giải thích.
Alice Chun cùng các cộng sự đã tích cực tham gia hỗ trợ nạn nhân của nhiều thảm họa toàn cầu. Vào tháng 9 vừa qua, Solight đã hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Florida Rising để gửi những chiếc đèn lồng tới các nạn nhân của cơn bão Ian đã tàn phá một số bang của Mỹ.
Vào năm 2015, Solight đã huy động được nửa triệu USD trong 30 ngày. Tại thời điểm đó, một trận động đất xảy ra ở Nepal. "Chúng tôi có những tình nguyện viên đang trên đường đến Nepal. Chúng tôi thắp sáng những ngôi làng nhỏ trên sườn đồi bằng ánh sáng năng lượng mặt trời. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mang ánh sáng đó tới mọi nơi, cho những người tị nạn Ukraine, cả những người dân nghèo ở Peru", Alice Chun nói.
Kiên trì với mục tiêu bảo vệ môi trường
Dòng sản phẩm hiện tại của Solight cung cấp giải pháp chiếu sáng với giá cả phải chăng và bền vững. Nhưng Alice Chun không dừng lại ở đó, và đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới.
Đại dịch đã làm nảy sinh một phát minh khác, đó là khẩu trang trong suốt làm bằng polypropylene, một loại nhựa có thể tự phân hủy sinh học. Sản phẩm này giải quyết thực trạng trên khắp thế giới về hàng tỷ chiếc khẩu trang bị vứt bỏ mỗi năm.
Alice Chun phát minh ra khẩu trang trong suốt không chỉ là loại bỏ chất thải độc hại từ khẩu trang y tế thông thường. Sản phẩm này còn giúp trẻ em trong giai đoạn phát triển không bị chậm nói và giúp những người bị khiếm thính dễ dàng nhìn khẩu hình miệng để giao tiếp.
"Bởi vì tất cả chúng ta đều đeo khẩu trang trong thời kỳ đại dịch, nên nhiều trẻ em gặp khó khăn trong việc học nói, vì chúng không thể nhìn thấy nét mặt và không nhìn được khẩu hình miệng của người lớn. Vì vậy, ý tưởng về chiếc khẩu trang trong suốt là một thứ giúp ích cho tương lai", Alice Chun chia sẻ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm