Thị trường hàng hóa
Jim Koch, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch tập đoàn Boston Beer, từng tốt nghiệp Đại học Harvard danh giá đã từ bỏ công việc tư vấn với mức lương 6 con số để nấu bia trong căn bếp của gia đình theo công thức truyền thống của họ.
“Mọi người đều nghĩ tôi điên, khi mà tôi từ bỏ công việc tư vấn để làm mấy công việc chân tay”, ông nói. Kế hoạch kinh doanh ban đầu của ông là đạt doanh thu bán bia 1 triệu USD trong vòng 5 năm, có 8 nhân viên và tự trả lương cho mình 60.000 USD/năm.
Trong các buổi tư vấn của mình, vị tỷ phú tiết lộ ông thường nói với khách hàng rằng hãy cân nhắc một câu hỏi khi quyết định có nên khởi nghiệp hay ra mắt sản phẩm mới hay không. Đó là: “Sản phẩm của bạn có tốt hơn hay rẻ hơn các sản phẩm tương tự hiện có hay không. Nếu không thì bạn chẳng có lý do gì để tồn tại”.
Kenneth Shea, một chuyên gia phân tích ngành bia ở Bloomberg Industries tại Mỹ nhận xét rằng, những hãng bia có vẻ lép vế như Boston Beer đã phát triển nhờ những sản phẩm bia tươi có chất lượng tốt hơn của các hãng lớn. “Những nhãn hàng công nghiệp, sản xuất đại trà có xu hướng trở nên nhạt nhẽo và không có bản sắc riêng”.
Đề tránh việc hương vị quá giống với những đối thủ lớn hơn, Koch đã thử nghiệm từng mẻ bia mà công ty sản xuất và tự mình đi các chuyến sang Đức hàng năm để mua nguyên liệu.
Trong “văn hóa thủ công”, nhân viên phải xem bản thân mình như một người thợ thủ công. 15 năm trước, Công ty bia Boston bắt đầu phát động cuộc thi ủ bia tại nhà (home-brew kits) cho mọi nhân viên và khuyến khích họ sáng tạo trong… nhà bếp. Mỗi năm, sản phẩm thử nghiệm của hàng trăm nhân viên sẽ được tập hợp lại để chọn ra một người chiến thắng. Công thức tối ưu nhất sẽ được áp dụng để sản xuất và phân phối trên khắp nước Mỹ và được đựng trong chai có in tên và hình ảnh của người chiến thắng.
Một điều đáng ngạc nhiên là những người chiến thắng đến từ mọi phòng ban như kế toán, bán hàng, kỹ thuật… nhưng hiếm khi tên của những người chuyên ủ bia được nêu trên “bảng vàng”.
Cuộc thi nội bộ này giúp nhân viên nắm bắt được tinh thần của nghề sản xuất bia và trở thành một phần của lĩnh vực này. Còn việc thương mại hóa những sản phẩm của họ chính là một minh chứng cho niềm tin và tự hào của nhà lãnh đạo đối với đội ngũ.
Kết quả là những nhân viên đã tìm ra được các giải pháp thắt chặt các hoạt động. Họ đã chứng minh được rằng, sự sáng tạo và tinh thần đồng đội có thể giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính. Chẳng hạn, họ nghĩ ra cách để đặt được nhiều pallet bia hơn trên xe tải vận chuyển, làm đầy các khoảng trống dư thừa trong kiện hàng bằng sản phẩm đế lót ly và lập kế hoạch hiệu quả hơn cho phương thức bán hàng qua điện thoại. Sự tăng trưởng bắt đầu quay lại từ từ. Công ty bia Boston bắt đầu đạt sự tăng trưởng nhanh chóng vào năm 2004, khi doanh thu tăng đến 22%.
Đổi mới là tính chất đáng tự hào của phương thức sản xuất thủ công. Hãng bia Boston thường xuyên thử nghiệm với những thành phần “chẳng ai ngờ tới”, chẳng hạn như bột mận và cây hồi.
Sự đổi mới cũng giúp đưa ra những quy trình mới. Gần 25 năm trước, Công ty bia Boston trở thành hãng bia đầu tiên áp dụng phương thức ủ bia trong các thùng gỗ sồi từ Đông Âu vốn ban đầu chỉ được các nhà sản xuất ở Ý dùng để ủ rượu mạnh. Hiện nay cách làm này đã trở nên thông dụng nhưng lúc đầu từng bị nhiều người cho là “điên rồ”.
Samuel Adams (27/9/1722 - 2/10/1803) là chính khách, nhà triết học chính trị và là một trong những Người sáng lập của Hoa Kỳ. Jim Koch bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Samuel Adams bởi "tinh thần quật cường và niềm đam mê với những ý tưởng vượt qua ranh giới". Cuộc chiến giành độc lập của Samuel Adams là nguồn cảm hứng cho Jim Koch khám phá ra công thức bia và quyết định đặt tên thương hiệu là Samuel Adams Boston Lager. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm