Thị trường hàng hóa
Chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm sau ngày Mỹ công bố lạm phát cao nhất bốn thập kỷ. Trong đó, thị trường Trung Quốc đại lục hiện đang dẫn đầu mức tăng ở khi tỷ lệ thất nghiệp của Úc giảm và Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo dữ liệu phân tích tài chính và thị trường Eikon, chứng khoán Thâm Quyến lội ngược dòng bù các khoản lỗ tăng 1,259%, các cổ phiếu năng lượng tăng 3,68%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,31% và CSI 300, chỉ số theo dõi những cổ phiếu đắt giá nhất tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng 0,49%.
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản đã giảm lỗ và tăng 0,73% trong khi chỉ số Topix cao hơn 0,23%. Tại Hàn Quốc, Kospi tăng 0,1% và Kosdaq tăng 0,46%. Chỉ số S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,29%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giao động quanh ngưỡng tham chiếu, tăng 0,4%.Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng 0,3%.
Dữ liệu mới được công bố cho thấy, Úc bổ sung thêm 88.400 việc làm trong tháng 6, cao hơn so với mức dự báo 30.000 của các nhà phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này ở ngưỡng 3,5%, thấp hơn mức 3,8% dự báo trước đó và là mức thấp nhất trong 48 năm.
Trong dữ liệu kinh tế, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, quý II/2022 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tăng từ 4% trong quý đầu tiên của năm, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 5,2% mà các nhà phân tích dự báo.
Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) ngày 14/7 đã thắt chặt chính sách, tạo điều kiện cho đồng đô la Singapore (SGD) mạnh hơn nhằm đối phó với tác lạm phát. MAS khẳng định hành động này dựa trên các động thái thắt chặt trước đây, sẽ giúp làm chậm đà tăng của lạm phát và đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn.
Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 0,79% và đồng tiền Singapore đã tăng mạnh sau tin tức này với mức tăng cao nhất gần 0,7% lên 1,3963 SGD/ USD. Đây là lần thứ tư trong vòng 9 tháng qua Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ, trước đó các ngân hàng trung ương từ New Zealand đến Canada gần đây đều đã tăng lãi suất để kiềm chế giá tiêu dùng tăng vọt.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết họ sẽ tập trung lại điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái (được gọi là Tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa). MAS cho biết sẽ không có sự thay đổi đối với độ dốc và chiều rộng của dải. MAS quản lý chính sách tiền tệ thông qua việc theo dõi và phân tích tỷ giá hối đoái, thay vì lãi suất.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, khẳng định rủi ro lạm phát chắc chắn sẽ được giải quyết. Ông cho biết MAS điều chỉnh chính sách của mình thông qua ba đòn bẩy: độ dốc, điểm giữa và độ rộng của biên độ chính sách, cho phép đồng đô la Singapore tăng hoặc giảm so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính trong một biên độ không được tiết lộ. Đồng SGD sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới bởi chính sách tiền tệ thắt chặt này, nhưng lạm phát vẫn đang ở mức cao đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương sẽ không thể loại trừ hành động tiếp theo vào tháng 10.
Tại thị trường Mỹ, chứng khoán sụt giảm sau báo cáo lạm phát tháng 6 được công bố. Chỉ số Dow Jones giảm 208 điểm, tương đương 0,67%, xuống 30.772 điểm, trong khi S&P 500 giảm 0,45% xuống 3.801 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,15% đóng cửa ở mức 11.247 điểm. Đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều, báo hiệu một cuộc suy thoái đang ập tới. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm tại Mỹ ở ngưỡng 3,1879% trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cao chưa tới 3%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo 8,8% của Dow Jones. Đây mà mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1981, khiến nhà đầu tư quan ngại Fed sẽ mạnh tay tăng lãi suất trong kỳ họp tới. Trong tuần này, nhà đầu tư đang mong đợi báo cáo doanh thu quý II/2022 từ nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan và Fast Retailing của Nhật Bản (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo).
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm