Thị trường hàng hóa
Đó là mô hình khởi nghiệp nuôi gà ác ngủ máy lạnh, nghe nhạc của anh Nguyễn Hữu Thắng (SN 1992), ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Theo anh Thắng, trước đây anh từng có thời gian đi xuất khẩu lao động, sau đó về quê khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn. Tuy vậy, sau nhiều năm làm ăn bấp bênh do thiếu kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm, lại vướng dịch bệnh, đàn lợn chết dần chết mòn, khiến anh ôm nợ hơn 1 tỷ đồng.
Sau thất bại đầu tiên với mô hình chăn nuôi lợn, anh Thắng quyết liều khởi nghiệp lần 2. "Phải nuôi con gì mà thị trường ở đây chưa có, như thế mới giảm được sức cạnh tranh trong tiêu thụ, đổi lại, độ rủi ro khá cao do phải tìm kiếm thị trường. Tôi chọn nuôi gà ác lấy trứng vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong mỗi quả trứng cao gấp đôi trứng thường, "cửa" tiêu thụ và giá trị kinh tế cũng rộng hơn. May mắn được gia đình ủng hộ nên tôi quyết tâm làm", anh Thắng chia sẻ.
Thời gian đầu, “Khó khăn vô cùng do chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc cho nhẹ đầu" - anh Thắng nhớ lại.
Vào những ngày giáp Tết năm 2022, Thắng dồn hết tiền vay được để đầu tư mua 12.000 con gà giống 1 ngày tuổi ở Long An được đưa lên máy bay vận chuyển về Nghệ An. Và thời gian ban đầu, Thắng đã phải đối diện với nhiều khó khăn ập đến.
"Tỷ lệ hao hụt là rất cao. Nhưng dần dần theo thời gian, bằng sự ham học hỏi và không quản ngại khó khăn thử thách, tôi đã tự tạo lối đi riêng khi tự mày mò nghiên cứu cho ra quy trình chăn nuôi khác với truyền thống...", anh Thắng chia sẻ.
Để thực hiện mô hình này, ngoài số tiền tích cóp, vay mượn người thân, vay ngân hàng… với số tiền lên tới 10 tỷ để xây dựng mô hình trang trại. Bắt đầu từ con số 0, sau 7 tháng mất ăn mất ngủ thì lứa gà đầu tiên đẻ trứng. “Cầm quả trứng bé xíu chỉ nhỉnh hơn nửa quả trứng gà thường mà tôi mừng rơn", anh Thắng kể.
"Hiện, mỗi ngày trang trại xuất 3.500-4.000 quả trứng, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường...", anh Thắng chia sẻ.
Mô hình nuôi gà ác của gia đình cũng được anh Thắng đầu tư khá bài bản từ hệ thống phun sương trên mái nhà, đến hệ thống đèn chiếu sáng, phân phát thức ăn… Do có nguồn gốc từ phương Nam nên khả năng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt nơi miền Trung của loài gà ác kém. Mùa rét, trang trại phải sử dùng hệ thống đèn sưởi, mùa nóng, hệ thống quạt làm mát chạy suốt ngày đêm, kết hợp phun tưới bên ngoài chuồng để giảm nhiệt. Với hệ thống làm mát này, nhiệt độ trong chuồng luôn được duy trì từ 22-28 độ C, thấp hơn từ 10-12 độ so với bên ngoài.
Anh Thắng còn cho lắp đặt hệ thống âm thanh, phát nhạc suốt ngày như một liệu pháp giúp gà ổn định tâm lý, trung hòa tính "hiếu chiến" của loài gà này.
"Gọi là gà ác vì loại gà này rất hung dữ và hiếu chiến. Chúng thường mổ đồng loại tứa máu, rồi mổ vỡ trứng vừa đẻ ra. Chưa kể, loại gà này nhỏ, con trưởng thành chỉ tầm hơn 1kg, ở Nghệ An chưa có loại chuồng riêng, phải sử dụng chuồng thường nên ban đầu, gà rơi, kẹt giữa các thanh sắt... làm tỉ lệ hao hụt đàn lên tới gần 20%", anh Thắng nói.
Đây cũng là giống gà "khó tính". Bởi vậy, việc chăn nuôi phải tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, từ kiểm soát chất lượng đầu vào, thức ăn, môi trường và vaccine phòng bệnh. Để đáp ứng quy trình này, anh Thắng phải thuê thêm 2 kỹ thuật và 2 nhân công để hỗ trợ chăm sóc đàn gà.
Thời điểm hiện tại, sau 7 tháng chăm sóc, đàn gà đã cho thu hoạch trứng. Trung bình mỗi ngày trang trại thu 3.500-4.000 quả trứng. Với mức giá 3.000 đồng/quả, mỗi ngày, ông chủ trang trại gà ác trẻ tuổi thu trên dưới 10 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà.
Tuy nhiên, theo anh Thắng, đây là mức giá thăm dò, trợ giá để xâm nhập thị trường. Thực tế, chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh lớn nên giá bán này mới chỉ hòa vốn, chưa có lãi.
Anh Thắng cho biết, hiện thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Số trứng của trang trại anh mới chỉ đáp ứng được một phần. Trong thời gian tới, anh đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi để ung ứng cho thị trường. Anh cũng đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP và đưa trứng gà ác của trang trại vào hệ thống siêu thị.
Và khi đã có chỗ đứng ổn định, cùng với việc được công nhận, cấp chứng hoàn thành, giá bán trứng sẽ là 3.500 đồng đối với loại vừa, với trứng hai lòng đỏ thì giá sẽ khoảng 4.000-5.000 đồng/quả.
"Số trứng này chủ yếu được nhập ra Thanh Hóa, Ninh Bình và một số thị trường phía Bắc. Riêng thị trường Thanh Hóa, nhu cầu tiêu thụ là 30.000-40.000 quả trứng/tuần, trang trại chỉ mới đáp ứng được một phần. Trong thời gian tới, trang trại có thể cung ứng cho thị trường khoảng 9.000 quả trứng/ngày", anh Thắng cho hay. Từ hiệu quả khả quan ban đầu, anh Thắng đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ông chủ trẻ này cho rằng, nuôi gà ác vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa chủ động được con giống cũng như mở rộng thị trường đầu ra để hướng tới đưa loại trứng giàu hàm lượng chất dinh dưỡng này vào hệ thống siêu thị hay các chuỗi cung ứng lớn.
Đánh giá về mô hình sản xuất giỏi, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc, cho biết, bỏ tiền tỷ xây trang trại nuôi gà đòi hỏi người chủ phải có bản lĩnh và biết tính toán. Sự táo bạo của anh Thắng bước đầu mang lại thành công. “Đây là hình mẫu cho nhiều thanh niên theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp tại quê hương, thay vì làm thuê ở phương xa. Anh Thắng là người đầu tiên đưa giống gà ác từ miền Nam về nuôi thành công ở huyện Nghi Lộc. Bước đầu mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn các trại nuôi giống gà địa phương…”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm