Thị trường hàng hóa
Việt Nam có cơ hội tham gia đấu giá để hồi hương cổ vật hay không? Và nếu đấu giá và hồi hương thành công, liệu chúng ta có phát huy được giá trị cổ vật hay lại “xếp kho”?
Ngày 18/10, website chính thức của hãng đấu giá Milion (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp) bắt đầu đăng tải các thông tin liên quan đến hai cổ vật triều Nguyễn gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917 - 1925). Các thông tin này phục vụ cho mục đích phiên đấu giá sắp tới (dự kiến vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 giờ Paris).
Sự kiện nhà đấu giá quốc tế thông báo đấu giá cổ vật Việt Nam vốn không phải chuyện lạ. Thế nhưng, hai cổ vật này gây sự chú ý đặc biệt đối với công chúng Việt Nam vì tầm quan trọng cũng như ý nghĩa lịch sử liên quan.
Căn cứ thông tin của hãng đấu giá Milion và ý kiến của một số chuyên gia, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” – từng được Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30/8/1945.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng: Nếu đây là ấn “Hoàng đế chi bảo”, thì bên cạnh những ý nghĩa về lịch sử, văn hóa… xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Vì vậy, ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao nêu rõ: Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Có thể nói trong vài năm trở lại đây, hoạt động đấu giá tranh của các danh họa Đông Dương và cổ vật triều Nguyễn diễn ra rất sôi động, thu hút giới sưu tập khắp thế giới.
Như Báo GD&TĐ từng thông tin cuối năm 2021 tại nhà đấu giá Invaluable (Tây Ban Nha) đấu giá mũ quan và áo Nhật Bình triều Nguyễn. Giá khởi điểm chỉ 600 euro, nhưng chiếc mũ quan đạt giá gõ búa cao gấp 100 lần – với giá chung cuộc là 600.000 euro (tương đương gần 20 tỉ đồng cả thuế và phí).
Tuy là mức giá “trên trời”, nhưng sự kiện đấu giá mũ quan và áo Nhật Bình không thu hút quá nhiều sự quan tâm, và thực sự không cần thiết để bằng mọi giá hồi hương cổ vật. Lần này lại khác, giới nghiên cứu cho rằng ấn “Hoàng đế chi bảo” là minh chứng trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa lớn. Chính vì vậy, công văn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh “việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…”.
TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nói rằng: “Hoàn cảnh lịch sử đã khiến các cổ vật bị thất tán, theo các nhân vật lịch sử hoặc theo con đường chảy máu cổ vật. Việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đưa trở lại những di sản văn hóa vật thể về Tổ quốc là vấn đề cấp bách. Việc đó không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc”.
Còn nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng, chúng ta cần hồi hương một quốc ấn hay nhiều đồ vật húy tiếu của hoàng triều bị ăn cắp giai đoạn chiến tranh. Vấn đề hồi hương cổ vật cần phải nhìn nhận lại.
Nhà nước mua hết những cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài, thì lấy đâu ra tiền? Chúng ta đang có nhiều cổ vật quý hiếm vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho.
“Cổ vật Việt, trừ những gì được đánh giá rất cần phải tìm cách hồi hương. Số còn lại việc đấu giá, sưu tầm trên thế giới với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách khiến cho giới sưu tập cổ vật thế giới biết đến văn hóa Việt Nam”, ông Trần Đình Sơn chia sẻ.
Theo TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: “Với những bảo vật đặc biệt như thế này, tôi nghĩ chỉ có một cách - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gửi tờ trình đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thủ tướng, đề nghị cử người trực tiếp đàm phán với nhà đấu giá Milion để mua hai bảo vật này - đặc biệt là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Trước khi Milion mở phiên đấu giá, một khi cổ vật đã lên sàn công khai, thì giá cả sẽ diễn biến khôn lường”.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể tham gia đàm phán hoặc tham gia đấu giá để hồi hương cổ vật hay không vẫn là câu hỏi rất khó trả lời. TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định: “Từ trước đến nay, chưa có một bảo tàng công lập nào ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật thành công, do những rào cản của thủ tục và hạn chế về nguồn lực tài chính”.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” bằng vàng nặng gần 11kg được đúc năm 1823. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng. Giá khởi điểm được hãng Milion đưa ra từ 2 - 3 triệu euro. |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm