Thị trường hàng hóa
Hơn 1,2 triệu người hâm mộ dự kiến sẽ tham dự World Cup 2022 tại Qatar có thể tác động tích cực đến nền kinh tế của các nước Vùng Vịnh. Mặc dù Qatar tuyên bố đảm bảo chỗ ở cho hơn một triệu du khách trong 28 ngày diễn ra sự kiện, nhưng giá nhà nghỉ tại đây đã tăng vọt. Điều này khiến nhiều người hâm mộ bóng đá có thể lựa chọn điểm dừng chân khác tiết kiệm hơn.
Dubai dự kiến sẽ là nơi hưởng lợi chính bên ngoài Qatar, do vị trí địa lý gần, giao thông hàng không thuận lợi, dịch vụ du lịch nổi tiếng sẵn và thị thực du lịch nhiều lần cho những người sở hữu vé xem World Cup.
James Swanston, chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở tại London cho biết: “Nếu bạn không thể ở lại Qatar, Dubai là nơi bạn muốn đến nhất với tư cách là khách du lịch nước ngoài. Đó là một nơi an toàn và tự do hơn theo các chuẩn mực phương Tây. Đó là điểm đến hấp dẫn nhất”.
Dubai có điểm tham quan nổi bật là tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, các trung tâm thương mại rộng lớn, các câu lạc bộ đêm sôi động và sân bay nhộn nhịp nhất thế giới. Ngoài ra, nếu so với các láng giềng Vùng Vịnh, Dubai có quan điểm tự do hơn về trang phục, việc uống rượu và vui chơi về đêm.
Philip Wooller, Giám đốc cấp cao của STR, một công ty giám sát ngành khách sạn, cho biết, Dubai có hơn 140.000 phòng khách sạn, dễ dàng lọt vào top 10 điểm đến trên toàn thế giới về số lượng chỗ ở sẵn có. Thành phố này cũng cung cấp chỗ ở với nhiều mức giá hơn so với Qatar vào thời điểm hiện tại.
“Tôi nghĩ Dubai là một thành phố vô cùng đa dạng. Bạn có thể thuê một căn phòng với giá 100 USD hoặc một căn phòng với giá 5.000 USD tùy theo nhu cầu”, ông Wooller nói.
Các hãng hàng không giá rẻ cũng đang nắm bắt cơ hội. FlyDubai có kế hoạch thực hiện tới 30 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trong thời gian diễn ra World Cup để đưa đón người hâm mộ bóng đá di chuyển giữa Qatar và Dubai.
Ngoài du lịch và hành không, lĩnh vực bán lẻ cũng sẽ hưởng lợi từ lượng khách du lịch tăng cao. Ông Dennis McGettigan, Giám đốc điều hành của một chuỗi các quán bar nổi tiếng với nhiều chi nhánh khác nhau ở UAE cho biết, doanh thu của hệ thống này tăng tới 40% so với năm 2019 và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm có thể giảm trong năm tới nếu lạm phát tăng nhanh khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu thiết yếu.
Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế của Dubai sau World Cup 2022 có thể giúp hồi phục phần nào nền kinh tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sau đại dịch. Hồi tháng 9, UAE thông báo doanh thu du lịch trong nửa đầu năm 2022 vượt 5 tỷ USD và dự kiến tăng mạnh trong mùa đông năm nay nhờ World Cup 2022 diễn ra tại nước láng giềng Qatar.
Tuy nhiên, nền kinh tế phải phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đang khiến Dubai chịu áp lực gia tăng trong bối cảnh toàn cầu hóa. "Chúng ta vẫn cần phải thận trọng trước các áp lực kinh tế toàn cầu, bao gồm lãi suất tăng, giá dầu và hàng hóa cao, các vấn đề chuỗi cung ứng đang tạo ra áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Dubai", chuyên gia Sapna Jagtiani của S&P Global cho biết.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm