Thị trường hàng hóa
Dropshipping - mô hình bỏ qua khâu vận chuyển
Dropshipping là mô hình kinh doanh cho phép nhà bán lẻ vận hành cửa hàng mà không cần phải nhập hàng, lưu trữ hàng tại kho hay đóng gói, gửi hàng. Tất cả những việc này sẽ do nhà cung cấp lo liệu. Công việc của người bán hàng là triển khai các kế hoạch marketing và tìm kiếm khách hàng.
Lợi nhuận của nhà bán lẻ là phần chênh lệch giữa giá bán của nhà sản xuất và giá mà họ báo với khách hàng. Ví dụ, nhà sản xuất bán chiếc áo phông với giá 50.000 đồng, nhà bán lẻ báo với khách hàng giá 70.000 đồng. Sau khi khách hàng đồng ý, nhà bán lẻ quay lại đặt hàng với nhà sản xuất và nhà sản xuất sẽ gửi chiếc áo tới địa chỉ của khách hàng. Trong trường hợp này, lợi nhuận mà người bán hàng thu lại được là 20.000 đồng.
Đây là mô hình có lợi cho cả nhà bán lẻ và nhà cung cấp vì họ có thể tập trung vào quy trình kinh doanh mà họ là chuyên gia — nhà bán lẻ sẽ thu hút và chăm sóc khách hàng trong khi nhà cung cấp duy trì nguồn hàng và vận chuyển sản phẩm tới tay người mua.
Quy trình dropshipping khá đơn giản. Đầu tiên, khách hàng sẽ đặt hàng tại cửa hàng trực tuyến của nhà bán lẻ. Sau đó nhà bán lẻ xử lý đơn hàng và chuyển nó đến nhà cung cấp. Nhà cung cấp sẽ đóng gói và gửi sản phẩm tới khách hàng.
Ưu và nhược điểm của dropshipping
Kinh doanh Dropshipping có rất nhiều ưu điểm, phù hợp với những người vừa bắt đầu tập kinh doanh. Không giống như những hình thức khác, nhà bán lẻ không cần tốn chi phí thuê mặt bằng, nhập hàng, trữ hàng và vận chuyển hàng. Do đó, dropshipping giảm thiểu tối đa rủi ro mà một người có thể gặp khi bắt đầu kinh doanh.
Khi nhà bán lẻ muốn mở rộng quy mô, mô hình kinh doanh gần như không có gì thay đổi. Người bán hàng chỉ cần dành nhiều thời gian hơn cho việc xử lý đơn hàng và các chiến lược tiếp thị. Khoản chi lớn nhất cho dropshipping là phí quảng cáo.
Tuy nhiên, giống như tất cả các mô hình khác, dropshipping cũng có những hạn chế. Vì dễ dàng bắt đầu và đòi hỏi ít chi phí duy trì, nên tính cạnh tranh cũng rất cao. Các nhà bán lẻ cung cấp các sản phẩm giống nhau phải cố gắng đưa ra mức giá ưu đãi để thu hút khách hàng, do đó tỷ suất lợi nhuận khá thấp đối với các doanh nghiệp dropshipping. Đó là lý do tại sao sự thành công của nhiều cửa hàng dropshipping phụ thuộc vào các quảng cáo được tối ưu hóa cao để thúc đẩy doanh số.
Mô hình dropshipping có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, nếu nhà bán lẻ đang tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp, một số vấn đề có thể phát sinh. Mỗi nhà cung cấp có thể sử dụng một giải pháp vận chuyển khác nhau, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, đặc biệt là khi vận chuyển nhiều sản phẩm.
Một nhược điểm khác của dropshipping là người bán hàng không được kiểm soát chuỗi cung ứng. Họ phải dựa vào các nhà cung cấp để mọi thứ hoạt động trơn tru. Ngay cả khi nhà bán lẻ làm mọi thứ đúng quy trình, sự cố vẫn có thể xảy ra nếu nhà cung cấp có vấn đề. Tuy nhiên, người bán hàng phải nhận trách nhiệm trực tiếp trước khách hàng.
Các bước bắt đầu kinh doanh dropshipping
Để bắt đầu kinh doanh dropshipping, trước hết cần phân tích thị trường để tìm kiếm sản phẩm xu hướng. Công cụ Google trends có thể giúp các nhà bán lẻ biết được những sản phẩm nào đang có lượt tìm kiếm cao.
Sau khi đã xác định được sản phẩm muốn bán, bước tiếp theo là tìm kiếm nhà cung cấp. Có một số nền tảng dropshipping giúp người bán kết với nhà sản xuất như: Osiris Alliance, Chinabrands, Inventory Source, Dropshipper, Salehoo, Alibaba,…
Bước tiếp theo, những người muốn bắt đầu kinh doanh dropshipping cần tạo một website bán hàng hoặc tạo cửa hàng trực tuyến trên các các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,… Cuối cùng các nhà bán lẻ cần thực hiện các chiến lược tiếp thị để thu hút khách hàng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm