Thị trường hàng hóa
PV: Được biết “Master Branding” là cuốn sách thứ 10 của ông được xuất bản. Nguồn động lực nào đã thúc đẩy ông viết cuốn sách này?
Trả lời: 16 năm qua, do tính chất công việc của mình là đào tạo chuyên môn về marketing thương hiệu, việc nghiên cứu luôn là một trong những ưu tiên của cá nhân tôi. Mỗi ngày viết, ghi chép ít một, vài năm như vậy là đủ tư liệu để làm một tập sách tương đối toàn diện. Tôi cho rằng việc học bao giờ cũng đi đôi với việc đọc, trong sự đọc: đọc sách là nền tảng để hình thành nên tư duy hệ thống. Nói một cách ngắn gọn, sách là công cụ truyền tải nghiêm túc nhất những kết quả có tính chất nghiên cứu.
Cũng phải nói thêm rằng, trong quá trình làm việc (đặc biệt là tư vấn), tôi nhận thấy thực tiễn phát triển thương hiệu tại các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Nhiều nhà quản lý và người làm thương hiệu dường như chưa có sự hiểu biết tươm tất về nội dung quan trọng này.
Tham gia vào các dự án tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup, tôi thấy việc chia sẻ lại những câu chuyện từ góc nhìn của một người “trong cuộc” ở các lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất, thương mại, dịch vụ… có thể đem lại những hữu ích với đời sống các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc to việc nhỏ mà hữu ích đều là việc tích cực.
Thêm một lý do hơi cá nhân một chút là tôi luôn muốn các con của tôi sau này sẽ viết và ra sách, cũng giống như chúng tôi nhìn thấy tấm gương của ông bà và cha mẹ mình, từ đó soi chiếu để tự phát triển. Thế nên tôi viết sách để mong con sau này sẽ viết sách, trước nhất là yêu sách.
PV: Thông điệp chính mà ông muốn truyền tải đến bạn đọc trong cuốn sách "Master Branding" là gì?
Trả lời: Xây dựng thương hiệu là một lộ trình dài và đầy thú vị, đây không phải là cuộc dạo chơi của doanh nghiệp. "Master Branding" hướng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường nội địa, xa hơn là quốc tế. Chúng ta có nhiều lợi thế, từ cảnh quan thiên nhiên đến nông sản, và hiện đang bước vào cuộc chơi công nghệ với nhiều tiềm năng. Vậy nên, ý thức xây dựng thương hiệu thật tâm và chuyên nghiệp là cách duy nhất để chinh phục thị trường rộng lớn. Thương hiệu không thể đi tắt đón đầu mà là một chặng đường dài, bao xa thì chưa rõ nhưng phải mất thời gian và chịu khó tốn công.
Trong Master Branding, tôi có một phần đề cập tới công việc của CBO (Giám đốc thương hiệu) với mong muốn truyền tải đến các giám đốc kinh doanh, marketing, thương hiệu của các doanh nghiệp: họ chính là một cây cầu nối giữa 2 bờ, một bên là giá trị và bên kia là thị trường, họ thực sự đóng vai trò như những giám đốc phát triển và thực thi hệ giá trị của một tổ chức.
Bất kể ai, từ những startup nhỏ, công ty vừa hay thậm chí là các mô hình công ty lớn, đều có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong cuốn sách này. Ngay cả những người đang làm về hộ kinh doanh cá thể và muốn phát triển lên thành công ty cũng sẽ nhận thấy những điều liên quan. Tôi rất cố gắng bao quát nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực quản trị thương hiệu thông qua những ví dụ và case studies (trương hợp nghiên cứu điển hình). Tuy nhiên do sức vóc và trí tuệ của người viết còn rất khiêm tốn, tôi mong các độc giả lượng thứ cho những thiếu sót của sách.
PV: Theo ông bước đầu tiên doanh nghiệp cần chuẩn bị trước khi bắt đầu phát triển thương hiệu là gì?
Trả lời: Thương hiệu không phải là “cuộc chơi”, thương hiệu là một công cuộc đòi hỏi sự nghiêm túc, chịu khó, khát khao và cả kỷ luật nữa. Mọi việc bắt đầu từ nhận thức, mà nhận thức là một quá trình.
Kiến thức của 10 năm tới chắc chắn sẽ phong phú và nhiều phần thay đổi so với thời điểm hiện tại. Vì vậy không cần chuẩn bị gói ghém gì nhiều, chỉ cần một tâm thế cởi mở, sẵn sàng học hỏi và tiếp thu những điều mới, chịu khó tự học thay vì học tập khó chịu, thế là tuyệt vời. Suy cho cùng, tri thức chỉ đến với mình khi mình có tình yêu với tri thức, mà tình yêu đó bắt đầu từ sự cởi mở tâm trí.
PV: Trong trải nghiệm của ông với nhiều case study thương hiệu khác nhau, điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng sâu sắc nhất?
Trả lời: Trong sách, tôi có kể lại nhiều ví dụ điển hình liên quan tới các thương hiệu của Nhật và Trung Quốc, 2 cách xây dựng có thể khác nhau về phương pháp song triết lý có phần tương đồng. Đó chính là làm một việc nhỏ với một tình yêu rất lớn.
Chúng ta có thể thấy: từ mô hình nhỏ như một cửa hàng bán mì cho đến các công ty vừa và lớn, những doanh nghiệp thực sự là doanh nghiệp của Nhật và Trung Quốc luôn có ý thức rất cao về gìn giữ lời hứa thương hiệu. Điều hay là văn hóa, bản sắc và ý thức, không chỉ nằm ở cấp độ lãnh đạo của tổ chức mà còn hiện diện ở từng cá nhân trong toàn hệ thống.
Những điều lớn lao vĩ đại của những thương hiệu đó đều hình thành trong sự một sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng ở đây không phải là im lìm, nó được hiểu là không ồn ào. Không ồn ào, rộn ràng quá với những thành công, cũng không ầm ĩ ồn ào với những trào lưu sớm nở tối tàn. Hãy cứ bước từng bước thật chắc với tâm trí thanh thoát, mục tiêu rõ ràng và trong tim luôn là hình bóng khách hàng.
PV: Sau khi ra mắt cuốn “Master Branding", ông có dự định hoặc kế hoạch phát triển nào tiếp theo?
Trả lời: Trong thời gian qua, tôi đã ra mắt được một số cuốn sách liên quan đến lĩnh vực mà tôi đã làm việc, tư vấn, giảng dạy. Có bản sách mình hài lòng, có bản sách chưa ưng “cái bụng” lắm. Song tôi không nuối tiếc điều gì, vì hiểu rằng trong cuộc sống không có sự hoàn hảo, sách cũng như vậy. Master Branding như những quyển sách khác, sẽ tiếp tục phát hành phiên bản cập nhật, không ngừng bổ sung những nội dung và xu hướng mới.
Bên cạnh đó, tôi đang ấp ủ một dự định, đó là xây một ngôi trường về quản lý và phát triển tư duy tại không gian Trí Tuệ Mới (Tam Đảo). Đây sẽ là không gian học tập chuyên sâu, vừa học và vừa đối thoại, bài giảng sẽ tập trung vào các tình huống thực tế mới nhất mà các doanh nghiệp gặp phải, giúp họ có thể tham khảo và ứng dụng trong quá trình quản lý và phát triển, hội nhập.
Nhưng học tập vẫn luôn là ước mơ lớn nhất, là lẽ sống của tôi. Tôi nghĩ rằng được học tập là điều thú vị nhất và ai có tình yêu với việc học và đọc là một người rất may mắn.
Bên cạnh cuốn “Master Branding – Phương pháp xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững dành cho nhà quản lý”, ông Nguyễn Hoàng Phương còn là tác giả của nhiều đầu sách được doanh nghiệp quan tâm như: Xây dựng và quản lý kế hoạch marketing cho SMEs (2020), Xây dựng kế hoạch Marketing hoàn hảo (2012), Chinh phục nghệ thuật thuyết trình (2021), Nghệ thuật hùng biện (2024), Mỗi đứa trẻ là một thiện tài (2024)… Hiện ông đang đảm nhiệm các vai trò: Chủ tịch IMCE Global, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (ABE Academy), Tổng Giám đốc GHC Global. Ông cũng tham gia hoạt động giảng dạy tại ABE Academy PTI & PBS, đào tạo trực tiếp tại nhiều doanh nghiệp trong nước và tại các dự án quốc tế |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm