Thị trường hàng hóa
Khi một nhà lãnh đạo đối mặt với khủng hoảng, dù là lớn hay nhỏ, thì những cách làm, quyết định của họ đều ảnh hưởng lớn tới mức độ tác động của khủng hoảng lên tổ chức. Đại dịch Covid-19 vừa qua chính là một cuộc khủng hoảng diễn ra trên quy mô toàn cầu, kéo theo đó là hàng loạt các cuộc khủng hoảng quy mô nhỏ hơn cho các doanh nghiệp trên thế giới. Một số bối rối và rơi vào trạng thái bị động trước tình huống này, ngược lại cũng có những tổ chức làm chủ được tình hình và trở lại một cách mạnh mẽ và kiên cường hơn trước.
Ngành hàng không chính là một trong ngành công nghiệp đầu tiên hứng chịu tác động và bị ảnh hưởng mạnh trong những ngày đầu đại dịch với rất nhiều các hãng hàng không phải vật lộn trước nguy cơ phá sản, dù một số trong đó thành công hơn phần còn lại.
Một ví dụ là hãng hàng không Delta Airlines đã tăng được danh tiếng của mình khi ứng phó tốt trước cơn khủng hoảng từ Covid-19. Dưới sự quản lý của Giám đốc Điều hành Ed Bastian, Delta đã chủ động thực hiện các biện pháp ưu tiên sự an toàn của khách hàng.
Cụ thể, vào năm 2020, hãng này đã thuê gã khổng lồ ngành nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ, Mayo Clinic, làm cố vấn về các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh và thông gió liên quan đến vi rút cũng như thực hiện giãn cách trên chuyến bay. Ông Bastian tiếp tục thuê Henry Ting của Mayo, một bác sĩ tim mạch nổi tiếng, làm Giám đốc Y tế của Delta vào năm 2021. Tại đây, bác sĩ Ting đã có những tác động tích cực to lớn đến việc đảm bảo an toàn sức khỏe của hành khách và nhân viên. Ông đưa ra nhiều quyết định lớn tại đây, bao gồm việc không còn bắt buộc sử dụng khẩu trang sau khi đẩy lùi được đại dịch, cung cấp các dịch vụ thăm khám, tư vấn sức khỏe tinh thần 24/24 cho nhân viên - những người phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, kiệt sức sau sự bùng phát của Covid-19.
Delta đã được giới học thuật và giới truyền thông khen ngợi là công ty đã đối mặt và giải quyết cơn khủng hoảng Covid-19 một cách tài tình. Còn cá nhân ông Ed Bastian trở thành ví dụ điển hình cho khả năng lãnh đạo trong khủng hoảng.
Delta không phải tổ chức duy nhất đạt được thành công với những nỗ lực trong đại dịch. Adam Silver của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ đã gây chú ý khi ông quyết định tạm ngừng NBA vào năm 2020 - một quyết định táo bạo khiến giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ mất tới 190 triệu đô la doanh thu, và tạo ra một khu vực loại trừ, hay còn gọi là "bong bóng", ngăn chặn sự lây lan của vi rút giữa các cầu thủ và người hâm mộ. Ông được ca ngợi như một điển hình trong việc lãnh đạo tốt giữa cơn khủng hoảng.
Vậy, giữa Ed Bastian và Adam Silver có điểm chung gì? Điều gì ở khả năng lãnh đạo của họ đã giúp tổ chức của mình chống chọi với tác động tiêu cực, ngăn chặn thiệt hại, tái thiết lập và thúc đẩy sự phục hồi trước những cú sốc? Rất dễ hiểu, khi khủng hoảng xảy ra, cả Bastian và Adam đều có một hành động đơn giản mà hiệu quả: họ thu thập, tìm kiếm và hành động dựa trên ý kiến, lời khuyên từ người khác, rất nhiều người khác.
Con người thường không hoàn hảo và dễ mắc sai sót trong hoàn cảnh cần phải đưa ra một quyết định hợp lý, và điều đó còn tệ hơn khi họ phải đối mặt với một cơn khủng hoảng tàn khốc và bất ngờ ập đến, như Covid-19.
Mỗi cá nhân đều có xu hướng mắc phải một số lối mòn trong suy nghĩ nhất định - thứ được thúc đẩy từ kinh nghiệm hoặc thành kiến của bản thân. Điều này khiến cho một cá nhân, khó có thể có được cái nhìn bao quát về tất cả khía cạnh của một cuộc khủng hoảng để có thể hiểu và dự đoán những diễn biến, tình huống (cả cơ hội cũng như rủi ro) để tìm ra cách xử lý tối ưu nhất.
Xét dưới góc độ tâm lý, có một sự thật rằng con người có xu hướng giảm nhẹ hoặc coi thường những mối đe dọa tiềm tàng với suy nghĩ "Chắc nó sẽ không xảy ra với mình, hoặc kể cả khi nó thực sự xảy ra, thì nó cũng chẳng tệ đến thế". Và, khi tình huống xấu nhất xảy đến, người ta sẽ bám víu vào một giải pháp hay kế hoạch cụ thể nào đó, ngay cả khi cuộc khủng hoảng thay đổi hoặc rẽ hướng. Thậm chí, họ sẽ tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn, điều đó tiết kiệm chi phí hơn, và nó đi với câu nói:"Dù sao chúng ta cũng đi xa tới thế này rồi, đã quá muộn cho sự thay đổi".
Sau đó sẽ là hiệu ứng 'buồng vang thông tin' (khi con người chỉ tiếp nhận những thông tin, quan điểm giúp phản ánh và củng cố quan điểm sẵn có). Dù chúng ta có ý thức được hay không, hầu hết mọi người thường bị thu hút bởi những người (hoặc thông tin) xác nhận những thông tin ta đã biết và tin tưởng.
Thoát được hiệu ứng 'buồng vang thông tin' cũng như làm đúng đắn lại những định kiến cá nhân không phải việc dễ dàng. Nhưng, đó là điều cần thiết trong một cuộc khủng hoảng, bởi lẽ những cuộc khủng hoảng rất khó để dự đoán và thấu hiểu hết tất cả các khía cạnh. Và tất nhiên, nó sẽ không có bất kỳ quy tắc, thiết lập hay kịch bản nào cả. Nếu không được kiềm chế bằng những biện pháp đúng đắn, một cuộc khủng hoảng có thể rơi vào trạng thái lăn cầu tuyết, để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, khi một cuộc khủng hoảng ập đến, bạn cần phải giữ cho sự lãnh đạo của mình được khách quan, linh hoạt, khéo léo.
Một người lãnh đạo giỏi luôn hiểu rằng họ không thể làm mọi thứ một mình. Luôn cần một nhóm thu thập và tổng hợp thông tin, từ đó có được tầm nhìn, tạo dựng kế hoạch cũng như đảm bảo kế hoạch ấy thành công.
Một người lãnh đạo giỏi trong khủng hoảng luôn ý thức được khi con đường trở nên gập ghềnh, sẽ cần có một tập thể để vượt qua. Và mỗi người trong đó có thể nêu lên quan điểm và cái nhìn của bản thân về tình huống.
Với người lãnh đạo, việc xem xét các ý kiến và quan điểm ấy là một kỹ năng quan trọng trong quản lý. Càng nhiều điểm nhìn về vấn đề khác nhau được đặt ra, người lãnh đạo sẽ càng giảm thiểu sự cố chấp trong suy nghĩ riêng, hoặc phải phụ thuộc vào một giải pháp sẵn có. Khi đang ở trong khủng hoảng, khi bạn nhận được càng nhiều lời tư vấn, bạn càng có thể đa dạng hóa sự lựa chọn và gia tăng khả năng thích ứng trong những tình huống bất ngờ.
Ed Bastian chia sẻ: "Lúc nào tôi cũng nhận được nguồn thông tin rất đa dạng... Mọi người đều biết tôi chỉ sử dụng một email duy nhất, do đó mỗi ngày tôi có thể nhận đến cả ngàn email về tất cả mọi thứ đã hoặc đang diễn ra, dù nó tốt hay xấu, tôi phải cảm ơn nhân viên của mình về lượng thông tin này". Có thể nói, nhìn nhận những quan điểm khác cũng là một cách học hỏi.
Bà Roz Brewer, CEO của công ty Thuốc và Dược phẩm Walgreen-Boots Alliance, nói về tầm quan trọng của việc học hỏi từ những người khác, đặc biệt là với những người có một vai trò mới, hoặc một tổ chức mới giữa thời kỳ khủng hoảng: "Việc tôi đảm nhận một vai trò mới biến tôi thành một sinh viên thực tập của doanh nghiệp... Tôi gặp gỡ mọi người... Và tôi thực sự đặt mình vào vị trí của một người cần học hỏi thay vì vị trí lãnh đạo như ban đầu, tôi chọn học hỏi và đón nhận lấy những cơ hội mở ra phía trước".
Theo bà Brewer, học tập là lắng nghe, nhưng phải lắng nghe một cách có ích. Bà chia sẻ: "Tôi không bao giờ bước vào một công việc mới với tư cách người lãnh đạo, và luôn không mang theo thiết bị di động. Tôi thường để lại chúng trong túi hay trong ô tô, vì tôi cần hiện diện, tôi cần lắng nghe... Tôi nghĩ đó là cấp độ cao hơn trong việc lãnh đạo. Việc tôi lắng nghe và hành động tạo cho mọi người cảm giác hòa nhập vào môi trường do chúng tôi tạo nên, với tư cách những nhà lãnh đạo".
Tất nhiên, vẫn tồn tại những công ty hoạt động không thực sự tốt vào năm 2020. Từ những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả, những công ty này phải vật lộn để tiếp tục tồn tại, và tất nhiên, họ đối mặt với khủng hoảng - hậu quả của sự kém cỏi trong khâu đưa ra quyết định. Chúng ta có thể đề cập đến Tập đoàn Tyson Foods, đơn vị đã gây tiếng vang xấu khi không bảo vệ tốt cho nhân viên giữa những làn sóng đầu tiên từ Covid-19. Một ví dụ khác là CrossFit, một CEO của công ty này đã từ chức sau khi có những dòng trên Twitter mang nội dung phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, tất nhiên là CrossFit gánh chịu một viễn cảnh không mấy khả quan sau vụ việc này.
Việc lãnh đạo tốt trong khủng hoảng có thể gây nên ảnh hưởng sâu sắc đến kết quả sau khủng hoảng cũng như cho công cuộc tái thiết. Và đây là lý do tại sao với tư cách là một nhà lãnh đạo, điều quan trọng là bạn phải đề phòng và có ý thức về những cạm bẫy từ trong nhận thức - thứ có thể ảnh hưởng tiêu cực khi bạn cần đưa ra quyết định đúng đắn, kìm hãm việc bạn có được cái nhìn tổng quát và khách quan về bức tranh toàn cảnh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm