Thị trường hàng hóa
ESG là cụm từ viết tắt cho E-Environmental (môi trường), S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Cụm từ ESG xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc có tên “Who cares wins”.
Hơn 1 thập kỷ qua, ESG đã thay đổi từ một hệ thống báo cáo chuyên biệt cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các doanh nghiệp hay thương hiệu cân nhắc những tác động của sản phẩm của mình lên xã hội và nhân sự của họ. Hiện, ESG tập trung vào ba yếu tố chính bao gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G).
Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt. Trong đó, tiêu chí Môi trường xem xét các vấn đề như phát thải carbon, quản lý nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô và tác động tới biến đổi khí hậu.
Tiêu chí Xã hội nghiên cứu công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, khách hàng… cùng các khía cạnh quản lý lao động về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe của nhân viên. Tiêu chí Quản trị đánh giá các vấn đề liên quan tới quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế đãi ngộ, và sự đa dạng trong Hội đồng quản trị.
ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết cho hầu hết các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Tháng 1/2022, Bloomberg Intelligence nhận định rằng tài sản ESG toàn cầu có thể vượt qua 41.000 tỷ USD trong năm nay và đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025.
Đồng thời, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các doanh nghiệp quan tâm đến ESG thường mang lại kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…
Tiêu chuẩn ESG đang ngày một trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc người tiêu dùng đến với sản phẩm và dịch vụ của một thương hiệu. Tại Mỹ, 66% người tiêu dùng thuộc thế hệ Millenials (những người sinh từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90) được khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho một nhãn hàng được chứng nhận phát triển bền vững; 75% cho rằng doanh nghiệp cần phải đem lại giá trị cho cộng đồng thay vì chỉ chạy theo lợi nhuận.
Hiện tại, chỉ số ESG trở thành một yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp. Hầu hết các nhà đầu tư đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ đầu tư.
Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng. Do đó, doanh nghiệp cần có những bước đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo CEO của Công ty Richard Moore Associates, các công ty nên tập trung các hoạt động marketing vào việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm hơn đối với xã hội. Đồng thời, kể câu chuyện đó một cách hiệu quả sẽ giúp gia tăng giá trị của thương hiệu, cũng như gia tăng sự yêu mến của người tiêu dùng đối với thương hiệu của doanh nghiệp.
Trước tiên, doanh nghiệp cần xây dựng các mục tiêu chiến lược cho sự phát triển, trong đó có tích hợp các tiêu chuẩn. Để xác định mục tiêu cụ thể, các nhà quản lý có thể tham khảo bản Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và lấy đó làm định hướng; hoặc tập trung vào một số mục tiêu cấp thiết liên quan đến các vấn đề ESG phù hợp với doanh nghiệp của mình.
Thứ hai, sau khi đã hoạch định được mục tiêu phát triển thì doanh nghiệp cần xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh một cách rõ ràng với mục tiêu phát triển bền vững. Dù sứ mệnh đó có là gì thì cũng cần được truyền tải một cách xuyên suốt trong nội bộ doanh nghiệp và được giới thiệu tới công chúng.
Thứ ba, khám phá và xây dựng các giá trị cốt lõi cho thương hiệu của mình. Điều này sẽ giúp thiết lập tiêu chí nền tảng cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp hướng tới sự đổi mới sáng tạo, sự chân thành, sự chu đáo hay lấy yếu tố bứt phá làm nền tảng cốt lõi cho các hoạt động của mình thì đều cần được liên hệ tới mục tiêu phát triển và gắn với mục tiêu ESG.
Sau khi đã xác định sứ mệnh, mục tiêu và những hoạt động ESG mà doanh nghiệp đã xây dựng và triển khai, điều thiết yếu là phải chuyển tải và kể lại câu chuyện về những nỗ lực ESG của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Những nội dung marketing và truyền thông thương hiệu có định hướng, gắn kết yếu tố ESG với hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tạo động lực và ảnh hưởng tới khách hàng mục tiêu cũng như đông đảo công chúng.
Những thông điệp mà doanh nghiệp truyền tải phải có trọng tâm, khác biệt, có ý nghĩa với công chúng và đặc biệt là cần phải thể hiện một cách nhất quán. Đây là một yếu tố tiên quyết trong việc truyền thông cho các hoạt động ESG. Cuối cùng, doanh nghiệp nên vận dụng các hoạt động PR một cách khéo léo và linh hoạt để giới thiệu tới công chúng những nỗ lực phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm