Thị trường hàng hóa
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong DN, việc hiểu và ứng dụng hiệu quả digital marketing để nâng cao kết quả kinh doanh của DN là điều không thể thiếu.
Ngày 10/8, Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã phối hợp cùng các đối tác liên quan tổ chức Hội thảo “Xu thế Digital Marketing dựa trên dữ liệu lớn (big data) - Cơ hội cho DN ĐMST”. Hội thảo đã cùng các chuyên gia thảo luận về marketing tổng quát; digital marketing; phân tích dữ liệu trong marketing; các hoạt động ĐMST trong kinh doanh và marketing của DN; cũng như lợi ích, hiệu quả mang lại cho các tổ chức, DN khi sử dụng digital marketing trên cơ sở khai thác, phân tích dữ liệu.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ đại học San Francisco Hoa Kỳ và các chuyên gia, nhà quản lý của các DN, tập đoàn lớn ứng dụng hiệu quả digital marketing.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, cho biết hiện nay cuộc cách mạng 4.0, xu hướng ĐMST, chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay mạng Internet đã phủ đến 70% dân số Việt Nam, thiết bị điện tử rất phổ biến.
Theo thống kê của tổ chức We are Social, trung bình trong một ngày, người dùng Việt Nam dành ra 6 giờ 52 phút để truy cập Internet. Theo ông Hoài, những yếu tố này đang góp phần nền kinh tế số phát triển tại Việt Nam. Theo định hướng đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 30% nền kinh tế.
Tốc độ bùng nổ của mạng Internet cùng với sự phổ biến của các thiết bị thông minh, người tiêu dùng trong nước có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và sử dụng kênh mua sắm theo phương thức trực tuyến. Vì vậy, hình thức marketing truyền thống có thể không còn là sự lựa chọn hiệu quả nhất cho hoạt động marketing của các tổ chức, DN.
Thay vào đó, digital marketing sẽ trở thành phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả cho các DN, tổ chức. Một trong các yếu tố quan trọng để ứng dụng digital marketing hiệu quả là khai thác và phân tích dữ liệu - tài sản giá trị hàng đầu của DN ĐMST trong kỷ nguyên số.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia nhằm phát huy các lợi thế của cuộc CMCN 4.0 trong tăng cường năng lực hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực phát triển ĐMST ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, NIC đã và đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ tài chính, hỗ trợ các nguồn lực cho DN ĐMST; phối hợp với các tổ chức và DN quốc tế như Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), với Google, Amazon để xây dựng, công bố các báo cáo, bộ chỉ số ĐMST; xây dựng, phát triển không gian số cho DN trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ VR/AR, giải pháp ĐMST để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác quốc tế có thể dễ dàng trao đổi, tiếp cận và thăm quan DN trên môi trường số; phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Với sự phát triển của kinh tế số, dữ liệu là nguồn tài sản quan trọng của DN. PGS. TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã, Đại học San Francisco, Hoa Kỳ, nhà sáng lập Gmartek, cho rằng để làm marketing hiệu quả và chính xác, DN phải phân tích dữ liệu, và từ đó tạo tác động. Phân tích các trường hợp cụ thể cũng như chính sách phân bổ ngân sách marketing, PGS. TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã cho rằng nếu tận dụng được dữ liệu và phân tích tốt, DN có thể tăng hiệu quả quảng cáo, marketing lên khoảng 30%.
Dữ liệu là nguồn tài sản giá trị của DN trong thời đại số. Tuy nhiên, việc lưu trữ và sử dụng dữ liệu như thế nào là yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả marketing số của DN. Ông Tạ Quang Tuyến, Giám đốc giải pháp và tư vấn dữ liệu marketing, công ty Gymasys, cho rằng có nhiều thách thức khi DN khi làm marketing.
Khách hàng thế hệ millennial - hay còn gọi là thế hệ thiên niên kỷ, là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z - và thế hệ Z ngày càng khó tiếp cận, nắm bắt. Trong khi đó, đây lại chính là lực lượng tiêu dùng lớn của nền kinh tế. Thế hệ Z hiện nay ít khi nghe điện thoại, ít đọc tin nhắn SMS, mà thường giao tiếp qua Zalo, qua các nền tảng mạng xã hội. Có thể thấy, hành vi tiêu dùng của thế hệ này đã có nhiều thay đổi, nếu DN không nắm bắt sẽ không tiếp cận được đối tượng khách hàng này.
Quá nhiều quảng cáo cũng khiến khách hàng bị lạc vào “ma trận thông tin” và không biết phải chú ý vào đâu. Đặc biệt, một vấn đề rất đáng lo ngại khi DN đang kinh doanh và phát triển trong thời đại số là dữ liệu thu thập chưa được sử dụng lại một cách bài bản. Dữ liệu đến từ nhiều kênh, DN thu thập và lưu giữ ở nhiều nơi. Bài toán đặt ra là làm thế nào tối ưu hóa những dữ liệu này.
"DN đã có đội ngữ xử lý dữ liệu, sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng hay chưa? Thu thập dữ liệu là điều rất cần thiết, nhưng cách lưu trữ và đặc biệt là cách sử dụng dữ liệu sẽ còn quan trọng hơn", ông Tuyến chia sẻ.
Trong khi đó, nguồn nhân lực digital marketing cũng là một khó khăn đối với DN. TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã cho biết làm digital marketing nghĩa là vừa phải biết về công nghệ, vừa phải biết về marketing. Tuy nhiên, những nhân sự có thể giỏi cả công nghệ mà marketing không nhiều.
Cách làm "trực chiến" nhanh nhất để có thể đào tạo ra đội ngũ digital marketing là đào tạo công nghệ cho chuyên gia marketing hoặc đào tạo marketing cho chuyên gia công nghệ. Tất nhiên, mọi thứ không đơn giản như vậy và không phải cứ "gộp" vào nhau là mọi thứ sẽ "khớp" và chạy một cách suôn sẻ, hiệu quả.
Theo các diễn giả, hiện nay trung tâm đào tạo digital marketing khá nhiều, tuy nhiên, công tác đào tạo chưa bài bản, vì vậy, khi triển khai các chiến dịch digital marketing hoặc khi DN tuyển dụng, ứng viên thường thiếu kiến thức căn bản về digital marketing, trong khi đó đến 80% hiệu quả của hoạt động digital marketing sẽ phụ thuộc vào các kiến thức digital marketing cơ bản, như hiểu khách hàng và hiểu sản phẩm trước khi chạy quảng cáo. Hoặc lực lượng làm digital marketing không hiểu sản phẩm, không hiểu nỗi đau khách hàng và chỉ sao chép quảng cáo của đối thủ, của người đi trước và do đó không đạt hiệu quả như mong muốn.
Các công cụ quảng cáo bây giờ “thông minh quá”, có thể thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng, sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo. Ông Lại Tuấn Cường, Trưởng ban CĐS tại CSMO Việt Nam, nhà sáng lập Repu Digital cho rằng: “Dễ nhất là có tiền để chạy quảng cáo, nhưng khó nhất là làm nội dung”.
Bởi vì cuối cùng, digital marketing chính là nội dung. Nội dung phải sáng tạo, hấp dẫn người dùng - đó là điều mà máy móc hay công nghệ AI chưa làm được. Và để có được nội dung sáng tạo, đội ngũ digital marketing phải hiểu “nỗi đau” của khách hàng, am hiểu lý thuyết marketing, nghiên cứu thị trường, sản phẩm, chứ không chỉ đơn thuần “bỏ tiền chạy quảng cáo”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm