Thị trường hàng hóa
Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong đó, có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp.
Những bước chuẩn bị của Bộ Công Thương
Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị. Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công Thương đối với hoạt động mua, bán, trao đổi tín chỉ carbon, thị trường carbon trong thực hiện NDC và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Việc phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ hết sức quan trọng để đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Việc phát triển và vận hành thị trường carbon sẽ là một cơ hội để huy động nguồn vốn của xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đang gấp rút trong quá trình chuẩn bị để sớm đưa thị trường carbon vào vận hành trong thời gian tới và theo phóng sự vừa rồi quý vị cũng thấy đến năm 2029 thì sẽ có thị trường carbon vận hành một cách đầy đủ. Giai đoạn từ nay cho đến 2028 là giai đoạn mà các bộ ngành, địa phương chuẩn bị về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, các điều kiện kỹ thuật để có thể vận hành được thị trường carbon, trong đó có vấn đề các quy định liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để tạo ra những tín chỉ carbon có chất lượng cao trong thời gian tới. Đây là những nội dung nổi bật liên quan đến thị trường carbon trong thời gian tới.
Trong thời gian tớiđể hình thành và phát triển thị trường carbon, những nhiệm vụ nào cần được triển khai và Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương tham gia thị trường carbon?
Để vận hành được một thị trường carbon thì các quốc gia trên thế giới cũng đã trải qua nhiều giai đoạn rất dài để phát triển thì mới có được những thị trường vận hành một cách đầy đủ và và rất hiệu quả.
Cho đến nay Việt Nam chúng ta cũng đang ở giai đoạn tiếp cận để xây dựng và từng bước vận hành.
Câu chuyện về chuẩn bị các nội dung chuẩn bị cho thị trường carbon có thể được vận hành một cách từ thí điểm cho đến lúc vận hành một cách đầy đủ cũng còn rất nhiều việc phải làm.
Chúng ta đã có được căn cứ pháp lý rất quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06 của Chính phủ năm 2022 cũng đã quy định giao cho các bộ, ngành có liên quan để xây dựng và vận hành thị trường carbon ở Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay về vấn đề khung khổ pháp lý cao nhất đã có, nhưng những quy định cụ thể trong quá trình vận hành thị trường carbon vẫn đang được các Bộ Tài chính, Tài nguyên & Môi trường triển khai.
Với vai trò quản lý ngành về mặt chuyên môn, kỹ thuật, Bộ Công Thương đang chuẩn bị nhiều nội dung liên quan để sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Hiểu một cách đơn giản, khi có thị trường carbon thì phải có hàng hóa để bán cho thị trường.
Hàng hóa trên thị trường hiện nay theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường có hai loại.
Thứ nhất, Chính phủ sẽ giao hạn ngạch phát thải carbon đến từng cơ sở sản xuất phát thải lớn.
Thứ hai, tín chỉ carbon, là sản phẩm từ rất nhiều các hoạt động trong xã hội đóng góp vào và tạo ra những tín chỉ để có thể mua bán trên thị trường.
Như vậy, nếu doanh nghiệp, cơ sở muốn có sản phẩm đạt những tiêu chuẩn chất lượng cao đòi hỏi những quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt.
Ví dụ như Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương. Khi các doanh nghiệp tuân thủ được các quy định về kiểm kê, thẩm định các kết quả giảm nhẹ, những tín chỉ carbon tạo được ra từ các quá trình được tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt thì giá trị của tín chỉ sẽ cao hơn và sẽ có giá trị trong khi giao dịch trên thị trường.
Đây cũng là một trong những nội dung mà hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình chuẩn bị để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, giúp họ có thể tiếp cận được những kiến thức, những thông tin; có thể thực hành tốt những quy định này để đáp ứng được một phần rất quan trọng trong quá trình tham gia thị trường carbon thời gian tới.
Đối với các quy định về kiểm kê, thẩm định, đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV), các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã xây dựng trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các thị trường hiện nay đã và đang vận hành một cách rất thành công như thị trường của EU, Trung Quốc, Mỹ.
Qua đó, Bộ Công Thương đã xây dựng Thông tư 38 và được customize (tùy chỉnh) cho điều kiện của Việt Nam, tức là phù hợp với điều kiện của Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp cận từ đơn giản nhất và được nâng lên dần theo thời gian.
Đến khi chúng ta trải qua một thời gian thực nghiệm, thực hành nhuần nhuyễn thì hệ thống thị trường carbon của Việt Nam sẽ đạt những tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế.
Cần sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy của doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường carbon, tín chỉ carbon sẽ đem lại những cơ hội để đầu tư. Bởi vì tất cả những phát thải carbon trên toàn cầu hiện nay là xu thế định giá phát thải carbon, tức là sử dụng công cụ tài chính để kiềm chế phát thải khí nhà kính tác động xấu đến môi trường và khí hậu.
Do đó, định giá carbon thì chính là cơ hội để doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ việc giảm phát thải carbon; tạo tín chỉ để bán tín chỉ carbon. Nếu không vượt quá hạn ngạch thì cũng không phải mất chi phí cho việc mua các hạn ngạch còn thiếu theo quy định.
Tuy nhiên thách thức cũng rất lớn. Vì khái niệm tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề khá mới đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Trong thời gian gần đây tín hiệu về thị trường carbon ngày càng rõ nét, cũng thay đổi rất nhiều nhận thức của các doanh nghiệp vì câu chuyện này ngày càng đến gần chứ không còn xa vời như xưa.
Trước đây, thị trường carbon hay giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề mang tính chất tự nguyện; nhưng bây giờ là bắt buộc. Do vậy, nhận thức của doanh nghiệp rất quan trọng.
Về mặt công nghệ, những công nghệ giảm phát thải hiệu quả đòi hỏi mang tính đột phá. Tất nhiên có những giải pháp đi đôi với những công nghệ truyền thống như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các thay đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch - nguồn gây phát thải lớn nhất.
Hiện ở Việt Nam, dầu khí là ngành tiên phong trong việc nghiên cứu và có thể ứng dụng công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng carbon trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, cần lưu ý là đến nay công nghệ này trên thế giới cũng vẫn dừng lại ở mức độ thử nghiệm, chưa thể thương mại hóa.
Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, lộ trình có thể thương mại hóa những công nghệ đó được dự đoán sẽ sớm xảy ra. Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải có những tầm nhìn dài hạn, chuẩn bị tốt nguồn lực để đón bắt cơ hội từ xu thế này.
Như vậy, để vận hành hiệu quả thị trường carbon và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia, hưởng lợi từ tín chỉ carbon vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực từ các bên.
Mặt khác, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng cũng cần chủ động trang bị kiến thức, công nghệ và tiềm lực kỹ thuật, tài chính để tận dụng tốt cơ hội mà thị trường carbon mang lại.
Theo dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 đến 2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc.
Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới.
Chuẩn bị cho hành trình này, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch CDM.
Tại Kế hoạch của Bộ Công Thương triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, một trong những nhiệm vụ đề ra là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán,ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia; đồng thời đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của một số lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương. Tuyên truyền sâu, rộng về các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon tham gia thị trường carbon tự nguyện. Tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ cho các đối tượng của ngành Công Thương.
Nỗ lực từ các cơ quan quản lý trong hoàn thiện, phân phối chính sách và sự chủ động tiếp cận chuẩn bị sẵn sàng từ phía doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng để tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành Công Thương nói riêng tham gia thị trường carbon, hướng tới thực hiện NBC và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm