Thị trường hàng hóa
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2024 ước đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là mức tăng trưởng nổi bật trong khu vực châu Á, nơi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận mức tăng lần lượt 4,3%, 9,6%, và 3,9%.
Đáng chú ý hơn, kim ngạch nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8%, cho thấy sự gia tăng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Với những tín hiệu khả quan của xuất nhập khẩu Việt Nam 10 tháng qua, mở ra kỳ vọng lớn cho năm 2025.
Trong danh sách các thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch đạt 117,7 tỷ USD, tăng 31,6%. Tỷ lệ này phản ánh sự chuẩn bị tích cực của các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để đáp ứng đơn hàng cuối năm 2024 và chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2025.
Ngành dệt may là minh chứng rõ nét cho đà phục hồi này. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều doanh nghiệp đang tích cực nhập khẩu nguyên liệu, dự kiến đáp ứng được khối lượng đơn hàng tăng cao trong quý IV/2024 và quý I/2025. Xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia như Trung Quốc và Bangladesh sang Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội, đặc biệt khi lượng hàng tồn kho tại các thị trường lớn như Mỹ và EU đang giảm, giúp nhu cầu đặt hàng tăng trở lại.
Tương tự, ngành da giày cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Với mục tiêu xuất khẩu đạt 26-27 tỷ USD trong năm 2024, ngành này đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để vượt qua con số 24 tỷ USD của năm 2023.
Không chỉ các ngành công nghiệp, nhóm hàng nông sản cũng ghi nhận sự bứt phá nhờ vào lợi thế giá cả. Gạo và cà phê, hai mặt hàng chủ lực, đều đang trong xu thế tăng giá, dự kiến tiếp tục phát triển trong năm tới.
Với những thành tựu đã đạt được, triển vọng xuất nhập khẩu trong năm 2025 càng trở nên sáng hơn.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhiều yếu tố đang hội tụ để thúc đẩy tăng trưởng, từ sự ổn định của thị trường quốc tế đến việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục phát huy hiệu quả.
Sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ và EU trong bối cảnh lạm phát giảm sẽ là động lực quan trọng. Sức mua gia tăng, cộng với khả năng khai thác sâu hơn các FTA như EVFTA hay RCEP, giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Những "hàng rào kỹ thuật" về chất lượng, môi trường và lao động ngày càng khắt khe hơn. Ngoài ra, nguy cơ gian lận thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước cũng cần được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng.
Để tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần chú trọng đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc xây dựng chiến lược dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để phát triển bền vững.
Đồng thời, việc tận dụng sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, tăng cường xúc tiến thương mại và chủ động đối phó với những biến động thị trường sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ bị lợi dụng FTA để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa vào Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp là yếu tố quyết định để bảo đảm vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Năm 2025 hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược hợp lý, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để vươn xa hơn nữa trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm