Thị trường hàng hóa
Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Ảnh minh họa: INT.
Xuất khẩu gạo năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và giá trị. Năm 2025, nhiều thách thức đặt ra, xuất khẩu gạo phải thay đổi “chất” để chiếm lĩnh thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn, tổng kim ngạch đạt 5,7 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và 24% về giá trị so với năm 2023. Việt Nam xếp thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt mức hơn 600 USD/tấn, mức giá cao nhất từ trước đến nay, đây cũng chính là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng hai con số.
Philippines hiện được xem là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines.
Philippines cũng là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo thơm, dù nguồn cung từ Ấn Độ có tăng nhưng cũng không thay thế được. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 do nguồn cung dồi dào hơn, giá cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định đã mang lại tín hiệu khởi sắc cho ngành lúa gạo. Mức tăng trưởng xuất khẩu gạo “đột biến” khi năm 2024 tại một số quốc gia do thiếu hụt nguồn cung phải ngừng xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là chịu ảnh hưởng tác động bởi hiện tượng khí hậu El Nino gây ra thiên tai như hạn hán, nắng nóng, mưa bão.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu. Kết quả này đang khẳng định được vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới, tiền đề để năm 2025, xuất khẩu gạo vượt mức chỉ tiêu.
Một trong những địa phương được đánh giá là góp phần lớn vào sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam phải kể đến Đồng Tháp. Năm 2024, xuất khẩu gạo địa phương này ước đạt 1,366 triệu tấn, kim ngạch 865 triệu USD.
“Khối lượng gạo xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp trong năm nay tăng 157,59% so với năm 2023, và đạt 227,67% kế hoạch năm 2024. Đây là năm mà Đồng Tháp tăng trưởng khá ấn tượng trong việc xuất khẩu gạo ra nước ngoài.
Chiếm tới 15,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 15,3% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của cả nước, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên dẫn đầu nước ta về xuất khẩu gạo”, ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết.
Nâng cao chất lượng
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra nhận định, năm 2025 xuất khẩu gạo sẽ đối diện với nhiều khó khăn bởi sự trở lại “đường đua” ngành lúa gạo của Ấn Độ. Ấn Độ có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Về thị trường nhập khẩu, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, dự báo sẽ giảm nhập khẩu.
Đầu tháng 12/2024 giá gạo có xu hướng giảm. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.
Các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam như Indonesia, Trung Quốc được dự báo sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu. Năm 2024, Trung Quốc đã giảm hơn 70% gạo nhập khẩu từ Việt Nam so với năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để thương hiệu gạo Việt cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường cần có sự định hướng phát triển sản phẩm lâu dài, cập nhật lại xu thế mới phù hợp, nhất là các chương trình giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin, thời gian tới bộ sẽ tiến hành nghiên cứu về diện tích trồng lúa chất lượng cao, năng suất cao để xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, đã bổ sung 95% giống lúa và 89% sản lượng gạo của Việt Nam đạt chất lượng cao, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu gạo.
Khuyến cáo, năm 2025, doanh nghiệp Việt cần xây dựng riêng cho mình sản phẩm không những đủ về lượng mà phải “chất” để khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững. Nắm bắt cơ hội, nhận định thị trường để có những quyết định mang tính chiến lược.
Dẫn chứng cho thấy, doanh nghiệp gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Đơn cử như gạo ST25 của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” là niềm tự hào cho nông dân. Đây là minh chứng cho việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để nâng cao giá trị và vị thế cạnh tranh trên thị trường lúa gạo.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, TS Trần Khắc Tâm đánh giá: Gạo cao cấp và gạo thơm hiện chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam. Định hướng được ngành lúa gạo đề ra trong nhiều năm nay với mục tiêu không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Chúng ta vẫn thiếu vắng các thương hiệu gạo Việt trên kệ bán lẻ thế giới.
TS Trần Khắc Tâm phân tích, để duy trì được cạnh tranh, Việt Nam cần nâng diện tích sản xuất lúa chất lượng, xây dựng hình ảnh thương hiệu gạo Việt. Chú trọng phát triển vùng trồng, vùng nguyên liệu lớn được canh tác theo tiêu chuẩn cao, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Việt Nam đang cần hoạch định sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Hiện, Việt Nam còn nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan và Campuchia… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân.
Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, nông dân, Chính phủ, Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do (FTA), phòng vệ thương mại, ngân hàng… sẽ là hành lang hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng gạo, tạo thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
“Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng như: Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST… giá bán và hiệu quả kinh tế cao và được thị trường quốc tế ưa chuộng”, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex cho biết.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm