Thị trường hàng hóa
Cần những chính sách thông thoáng để thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: INT
Để thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bền vững, tạo động lực phát triển mới cho kinh tế số cần có cơ chế, chính sách khơi thông các điểm nghẽn, kinh tế số cần đổi mới sáng tạo.
Năm 2024, trên bình diện toàn cầu, TMĐT tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống và đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Trong đó, Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng TMĐTvà kinh tế số cao nhất thế giới.
Bà Megan Lim - Giám đốc Chiến lược kinh tế Access Partnership (tổ chức nghiên cứu quốc tế về TMĐT) cho biết, năm 2023, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam đạt 86 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Dự kiến năm 2028, giá trị này sẽ tăng gấp 1,7 lần, đạt 145,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,8 tỷ USD); trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng góp 25% vào tổng giá trị này.
Cũng theo bà Megan Lim, 65% trong số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, hơn một nửa doanh số TMĐT B2C của doanh nghiệp đến từ thị trường nước ngoài, và 50% kỳ vọng mức tăng trưởng trên 20% tổng doanh số thương mại điện tử bán lẻ của doanh nghiệp trong 5 năm tới.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, quy mô thị trường TMĐT của nước ta năm 2024 đã sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Con số này chiếm 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; và chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta.
Trong năm 2024, có 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản được tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ; 13.340 website TMĐT được thực hiện thủ tục thông báo và 583 website cung cấp dịch vụ TMĐT được thực hiện thủ tục đăng ký.
165 lượt phản ánh được tiếp nhận và xử lý bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Hồ sơ đăng ký của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động TMĐT được thực hiện toàn bộ thông qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đảm bảo xử lý nhanh chóng, hiệu quả và không phát sinh tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ.
Động lực và thách thức
TMĐT đã duy trì được tăng trưởng ấn tượng trong thời gian dài, song công tác quản lý và phát triển theo hướng bền vững cũng gặp nhiều thách thức.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Lê Hoàng Oanh cho biết, dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.
Nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng TMĐT nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Hoạt động livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh chóng của TMĐT, song quy định pháp lý về TMĐT mới chỉ điều chỉnh chung, giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có quy định riêng rẽ về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams…
Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… cũng đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Vì vậy, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, trong năm 2025, cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về TMĐT. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho TMĐT.
Tiếp tục phát triển TMĐT bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển TMĐT và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nền tảng TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. Chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. Song song với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, ngoài độ hấp dẫn của Việt Nam (dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z), TMĐT tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. TMĐT phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, gần tiệm cận với thành phố. Tuy nhiên, việc thúc đẩy TMĐT hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý vì “màu hồng”nào cũng đi liền với chính sách.
Thực tế là phát triển TMĐT cũng sẽ làm cho khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đó là một phần của quá trình phát triển mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lường trước.
“Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng”, chuyên gia Võ Trí Thành thông tin.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm