Thị trường hàng hóa
Tại tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”, sáng ngày 3/1, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế trong năm 2025, dự kiến đạt mức 6,5%.
Các động lực tăng trưởng xuất phát từ đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc đồng USD suy yếu và chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hỗ trợ kinh tế vĩ mô, thuận lợi cho ngành xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia thuộc VEPR, năm 2025, một số rủi ro có thể ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Đó là các biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù lạm phát 2024 dự kiến dưới 4,5% nhưng áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”.
Cùng đó, các xung đột địa chính trị chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ làm phân mảng kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu, nhất là các quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam. Biến đổi khí hậu và dân số già hóa nhanh chóng đang là mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô của Việt Nam trong dài hạn.
Cùng chung nhận định về các rủi ro, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với việc giải ngân đầu tư công chậm, không đồng đều. Cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do các yếu tố pháp lý, chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững.
Đồng thời, nền kinh tế phải đối mặt với việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm; tỷ giá, nợ xấu tăng. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm, giá cao.
Ngoài ra, việc hướng dẫn các luật mới và xây dựng thể chế cho các lĩnh vực mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng... còn chậm; hoạt động về tinh gọn tổ chức, bộ máy có những khó khăn nhất định.
Đưa ra khuyến nghị chính sách, nhóm chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, Việt Nam cần tận dụng chính sách thương mại mới của quốc gia này, để nâng vị thế cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn; các chính sách vĩ mô cần ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể.
Cần cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Đồng thời thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại, đầu tư toàn cầu.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm