Thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng vọt, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu, Mỹ đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách để kiềm chế con số này tiếp tục gia tăng. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất chuẩn lên 0,75 điểm phần trăm, mức mạnh nhất trong hai thập kỷ qua và dự báo sẽ tăng thêm lãi suất điều hành trong tháng 7 năm nay để thực hiện cam kết kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, toàn thế giới đang phải đối phó với một đợt bùng phát lạm phát đồng bộ khi người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhiều cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, chỗ ở, xăng dầu, gas…
Tại Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và kịp thời kiểm soát thành công lạm phát. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các nhóm hàng hoá, dịch vụ đã tăng lên đáng kể.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021.
Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có đến 9 nhóm tăng giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI có xu hướng tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giá cả tăng ảnh hưởng đến từng người dân, từng doanh nghiệp. Lạm phát tăng do nhiều vấn đề về cung và cầu chưa được giải quyết. Ông cho rằng lạm phát là một phần hệ quả của việc các nền kinh tế lớn sử dụng các gói kích cầu phục hồi kinh tế, đồng thời đây là tác động tiêu cực của các cuộc căng thẳng địa chính trị khiến giá cả tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy chi phí logistic lên cao. Việc lãi suất chuẩn tại Mỹ tăng lên khiến cho các doanh nghiệp tại quốc gia này khó tiếp cận các gói vay tín dụng hơn, trong khi thị trường trong nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hoá, vật tư thiết bị Mỹ lớn.
Để thích nghi được giữa những cơn “bão giá”, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương pháp tính toán, điều tiết để kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán. Giải pháp hàng đầu các doanh nghiệp nên tính đến đó là tối ưu hóa các chi phí. Mục tiêu tối ưu chi phí hướng đến việc đảm bảo rằng công ty nhận lại được nhiều hơn những gì đã chi ra hoặc thu về nhiều lợi nhuận nhất. Đồng thời, các nỗ lực tối ưu hóa chi phí của doanh nghiệp phải không ảnh hưởng đến chất lượng hay phạm vi cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đang kinh doanh mà vẫn duy trì hoặc nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này là một bài toán khó. Trong kinh doanh, tối ưu chi phí là một quá trình bao gồm đo lường năng suất, hiệu quả kinh doanh và xác định được các vấn đề trong quy trình cần cải thiện, sau đó đề xuất những thay đổi để giải quyết vấn đề. Việc thực hiện cần có kế hoạch chi tiết để đo lường, so sánh kết quả và lặp lại chu kỳ đến khi đạt được hiệu quả.
Những yếu tố nội bộ hàng đầu doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí là giảm chi phí văn phòng, chi phí sản xuất, các chi phí tài chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình vận hành, tối đa hoá các kỹ năng của nhân sự, cắt chi phí “tài nguyên nhàn rỗi", chú ý đến những bộ phận không có chỉ số đo lường hiệu quả công việc, đồng thời tập trung cao hơn vào chất lượng sản phẩm và đặc biệt luôn chú ý đến ngân sách công ty.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tránh mua những vật dụng văn phòng không cần thiết. Một số doanh nghiệp chế biến đang cố gắng thanh lý các nguyên vật liệu thừa, đồng thời tìm cách sử dụng phế phẩm để tạo ra một sản phẩm khác. Về tài chính dành cho bảo hiểm, các công ty sẽ lựa chọn nhà cung cấp mức phí bảo hiểm cạnh tranh nhất.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp tối ưu chi phí bằng cách tương tác công việc theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp. Chi phí dành cho nhân sự là khoản chi phí lớn tại mỗi công ty, do đó ở thời điểm này họ ưu tiên sử dụng nhân sự có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc, đồng thời với các bộ phận không có chỉ tiêu để đo lường hiệu quả làm việc như KPI, OKR…thì ban lãnh đạo sẽ có cách quản lý riêng để không ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bộ phận khác.
Một trong các yếu tố quan trọng để tối ưu chi phí là chủ doanh nghiệp phải luôn theo dõi và có kế hoạch chi tiết với ngân sách của công ty nhưng không được bỏ qua nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi sản phẩm tốt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có tiềm năng phát triển lâu dài trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý đang nỗ lực kiềm chế lạm phát và đảm bảo bình ổn giá hàng hoá, cùng các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp như Ngân hàng Nhà nước quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay hỗ trợ ổn định sản xuất, là những lợi thế quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời ứng biến giữa cơn “bão giá".
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm