Thị trường hàng hóa
Ngoài Lê Phổ, loạt tranh có mức giá ước lượng cao ngất ngưởng của các danh họa Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… sẽ xuất hiện trong phiên đấu Modern Day Auction của nhà đấu giá Sotheby’s vào ngày 6/4 tới.
Ngày càng nhiều tranh của họa sĩ Việt Nam “góp mặt” trong các phiên đấu đình đám của hãng đấu giá quốc tế. Đó không chỉ là tín hiệu vui, mà còn là dấu chỉ cho thấy, mỹ thuật Việt ngày càng thu hút được sự quan tâm của giới sưu tập quốc tế. Điều này phần nào kích cầu thị trường tranh Việt cũng như thúc đẩy sự sáng tạo của giới nghệ sĩ đương đại.
Mới đây, nhà đấu giá Sotheby’s chính thức thông báo về phiên đấu Modern Day Auction diễn ra từ 13 giờ 30 phút (giờ Hồng Kông) vào ngày 6/4 tới, với khoảng 70 tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới. Đáng chú ý, trong số đó xuất hiện nhiều tranh mới của các họa sĩ Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Hậu.
Tại phiên đấu này, có tới hàng chục tác phẩm được đề là của danh họa Lê Phổ. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, trong đó bức “Two ladies” (chữ Hán: 兩位仕女 - Lưỡng vị sĩ nữ, mực và bột mực nước (gouache) trên lụa có kích thước 55cm x 46cm đáng chú ý hơn cả.
“Dù bức tranh này có giá bán ước lượng 3.500.000 - 5.500.000 HKD, tương đương 445.000 - 700.000 USD, nhưng một số người dự đoán sẽ đấu lên đến mức 8.500.000 HKD, tương đương 1.000.000 USD”, ông Lý Đợi cho hay.
Bên cạnh bức tranh này, loạt tranh khác của Lê Phổ, như: “Mère et son enfant” có giá ước định 400.000 - 600.000 HKD, “Fleurs” có giá 500.000 - 700.000 HKD, “Floral Still Life” 500.000 - 700.000 HKD, “Mother and child with two ladies in the garden” 700.000 - 1.500.000 HKD…
Với danh họa Mai Trung Thứ cũng xuất hiện tới 7 tác phẩm, như: “Young girl with book”, “Hair dressing”, “Amour filial”… được ước lượng giá từ 450.000 – 4.500.000 HKD.
Vũ Cao Đàm cũng có đến 6 tác phẩm được Sotheby’s đưa lên thông báo đấu giá. Các tác phẩm như: “Deux filles”, “Portrait of a man”, “Le poète et sa muse”… có giá ước định từ 300.000 - 550.000 HKD.
Trước một phiên đấu giá với khá nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, tới thời điểm ngày 29/3 vẫn chưa có bình luận nào đánh giá về sự thật - giả hay các nghi vấn liên quan - như nhiều phiên đấu trước đây.
Như Báo GD&TĐ từng thông tin về phiên đấu giá “Họa sĩ châu Á - Tác phẩm quan trọng” của nhà Aguttes ngày 29/11/2021, bức tranh sơn dầu “Cô gái bên chim bồ câu” được cho là của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị, với giá gõ búa 539.520 EUR. Tuy nhiên, sau đó con trai họa sĩ Lương Xuân Nhị đã khẳng định, không có bức tranh nào như vậy trong bản thống kê di sản mỹ thuật của cố họa sĩ.
Trong hai phiên đấu giá liên tiếp tháng 11/2021 và tháng 4/2022, nhà đấu giá Aguttes đều sai tên tác giả. Bức tranh “Cô gái chải đầu” của họa sĩ Trần Tấn Lộc lại được gắn tên Trần Bình Lộc.
Sự kiện này đem đến những bất lợi đối với nghệ thuật Đông Dương nên nhà nghiên cứu Ace Lê đã đề nghị nhà đấu giá đính chính lại tranh, trả lại công bằng cho họa sĩ Trần Tấn Lộc. Đồng thời, yêu cầu các nhà đấu giá quốc tế tôn trọng và nghiêm túc với tranh Việt.
Trở lại phiên đấu Modern Day Auction của nhà đấu giá Sotheby’s sắp diễn ra. Tuy chưa có bình luận gì về tính xác thực của các tác phẩm, và chính vì số lượng tranh của Lê Phổ xuất hiện khá nhiều trong phiên đấu giá nên một số ý kiến cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng các tác phẩm có thực sự là của Lê Phổ, hay là tranh nhái hoặc có sự nhầm lẫn nào đó - như đã từng xảy ra đối với tranh Việt.
Vấn đề này, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng: Giả dụ tất cả tranh tại phiên đấu này đều đúng của Lê Phổ, thì chúng ta có cảm giác ban đầu sao họa sĩ vẽ nhiều vậy? Thật ra không nhiều. Có một ý kiến vui nói rằng, số lượng tác phẩm của Lê Phổ và Lê Bá Đảng đã vẽ/làm nhiều bằng cả nền mỹ thuật Đông Dương cộng lại. Chưa có con số cụ thể, nhưng lên đến hàng nghìn là đương nhiên.
“Chính vì vậy, khi gặp các tranh lạ/mới của Lê Phổ thì cũng hãy bình tĩnh suy xét nguồn gốc và tìm hiểu kỹ, vì khó có ai bao quát hết 4 giai đoạn sáng tác miệt mài của đời ông”, nhà nghiên cứu Lý Đợi nói.
Về diện mạo chung, phiên đấu Modern Day Auction ngoài một vài tên tuổi còn hơi trẻ như Ai Xuan, còn lại là thế hệ với Lê Phổ, Mai Trung Thứ… nên phác họa được diện mạo của mỹ thuật thời đại - trưởng thành nửa đầu thế kỷ 20, chứng kiến Thế chiến 2 và cả làn sóng Âu hóa sang Đông Á.
Những tên tuổi như Wu Guanzhong, Arie Smit, Liu Kuo-Sung, Zao Wou-Ki, Chu Teh-Chun, S. Sudjojono, Affandi, Chen Wen Hsi, Cheong Soo Pieng… đều giống Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ… về sứ mệnh lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của mình. Bởi vậy, đây là một phiên đấu giá đẹp - khi có được các tên tuổi này.
Tác động của các phiên đấu quốc tế (với sự xuất hiện tranh Việt) đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam, và sự thúc đẩy sáng tạo đối với nghệ sĩ đương đại sẽ ra sao? Nhà nghiên cứu Lý Đợi cho rằng, nước lên thì thuyền lên, thuyền lên thì lục bình, bèo hoa dâu… lên theo.
Không phải ngẫu nhiên mà tranh Việt trong nước ngày một cao giá. Thấy quốc tế bán tranh Việt triệu USD, trong nước bán vài chục nghìn, tự dưng giới sưu tập thấy thoải mái để mua.
“Nhìn chung, các tác phẩm của Trường Mỹ thuật Đông Dương đều thành công, chứng tỏ thị trường càng ngày càng được xác nhận theo hướng tích cực. Chúng ta chỉ hy vọng những tác phẩm từ các lò tranh giả dần sẽ bị tố cáo, và muốn được điều này, giới yêu mến mỹ thuật cũng như giới truyền thông phải làm việc với nhau một cách chặt chẽ và đoàn kết. Nền mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể phát triển khi vấn nạn tranh giả, tranh chép hoàn toàn bị tiêu diệt” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi. |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm