Thị trường hàng hóa
Chiều ngày 8.10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Người đàn bà đi tới mặt trời" của họa sĩ Đỗ Chung. Triển lãm giới thiệu 30 tác phẩm chất liệu sơn dầu kích thước lớn được họa sĩ Đỗ Chung sáng tác trong hơn 2 năm, từ 2020 – 2022.
30 tác phẩm kích thước lớn từ 1mx2m đến 2mx5m bằng chất liệu sơn dầu trên toan. Hoạ sĩ Đỗ Chung chia sẻ, khi vẽ tranh chỉ vẽ một lần không chỉnh sửa và được hoàn thành trong vòng 24 giờ khi sơn dầu vừa kịp khô. Tranh Đỗ Chung tạo nét độc đáo riêng không giống bất kỳ tác phẩm của họa sĩ nào và là một bản duy nhất, không thể sao chép và dù là tranh trừu tượng nhưng nhịp điệu tâm hồn hội họa thuần khiết. Với ông, tâm hồn nghệ sĩ cảm xúc là rất đời thực, con người được sinh ra để lao động nghệ thuật có trách nhiệm mô tả cái đẹp của tự nhiên, cái đẹp trừu tượng, đa hình, đa dạng, tồn tại song song cùng sự phát triển của nhân loại, tái tạo, nâng cao cái đẹp tiềm ẩn và quan trọng hơn cả là khai phá trí tưởng tượng của con người.
Hoạ sĩ Đỗ Chung từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ông thực hiện thành công Luận án Tiến sĩ nghệ thuật học với đề tài hoa văn trống đồng Đông Sơn. Cách đây gần 25 năm, hoạ sĩ từng được Trung tâm Văn hóa Pháp Việt mời sang tổ chức triển lãm tranh và nghiên cứu mỹ thuật thế giới trong 2 năm (1996 -1997) tại thủ đô Paris. Đó cũng chính là quãng thời gian ông chuyên tâm nghiên cứu các trào lưu hội họa, chiêm ngưỡng tác phẩm của các bậc thầy hội họa thế giới và quyết định chọn hội họa trừu tượng làm hướng đi chính cho sáng tạo hội họa của mình. Với cá tính hội họa rất mạnh, Đỗ Chung tìm thấy hội họa trừu tượng là nơi có thể thể hiện trọn vẹn nhất cái tôi của mình trên tranh. Ngoài cuộc triển lãm đặc biệt thành công ở Paris, trong hơn 20 năm qua, Đỗ Chung đã từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân ấn tượng trong và ngoài nước.
Trải qua một hành trình dài, bền bỉ sáng tác và nghiên cứu những khuynh hướng trào lưu nghệ thuật của thế giới, Đỗ Chung đã tạo nên những tác phẩm trừu tượng mang đậm phong cách Việt Nam. Sự đam mê hội họa và tiếp thu cách pha màu hiện đại phương Tây đã tạo ra những gam màu độc đáo, khó mà thể hiện lại được một bức tranh khác ở lần sau, mỗi tác phẩm của ông là một phiên bản duy nhất.
Hoạ sĩ Đỗ Chung bộc bạch: “Chắc chắn không phải là một sự tình cờ, mà cái đẹp trừu tượng đã manh nha xuất hiện gần như cùng một lúc trong nhiều phong cách, nhiều trường phái, vào những năm đầu của thế kỷ XX, từ tượng trưng, ấn tượng, biểu hiện, dã thú, vị lai, đến lập thể…, nói lên sự khao khát của đa số các họa sĩ đương thời muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào đối tượng, vào những lệ luật cũ, và vào thế giới tự nhiên – thế giới của những khái niệm, mà họ thường phải dựa vào để diễn đạt những ý tưởng thẩm mỹ của mình”.
Hoạ sĩ tâm niệm, hội họa trừu tượng muốn dựa vào chính nó để chinh phục cái đẹp và cái gu thẩm mỹ của người thưởng thức. Các họa sĩ hầu như đã gạn lọc đi hết những yếu tố “tượng hình”, cái đẹp trừu tượng dựa vào một sự cách điệu hóa triệt để, biến toàn bộ hình ảnh, sự vật… thành nhịp điệu trừu tượng. Vì họ ngày càng ý thức được vai trò của cái tôi, tức của chủ thể trong nghệ thuật, cũng như ý thức được sự cần thiết phải có một không gian tự do cho nghệ thuật và nói chung cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.
“Đến với hội họa trừu tượng, tôi như được giải thoát khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, đặt người sáng tạo đứng trước những luật chơi mới, những thử thách mới, cho phép thể hiện được cho tới cùng cái tiềm năng sáng tạo và cái bản sắc của mình. Chỉ còn lại các yếu tố hội họa thuần túy như màu, nét, khối, hòa sắc cùng không gian, nhịp điệu, kết cấu của các yếu tố thị giác nguyên thủy nhất”, hoạ sĩ bộc bạch. Từ những mày mò đầu tiên, với những tìm tòi đầy ý thức nhưng lặng lẽ, gan góc, bền bỉ, không mệt mỏi, Đỗ Chung đã trở thành một trong những họa sĩ trừu tượng được đánh giá có nhiều sáng tạo đáng kể nhất với đồng nghiệp và công chúng yêu hội họa Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, Đỗ Chung đã tổ chức 4 cuộc triển lãm tranh trừu tượng chấn động tại Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh với các tên gọi “Thời gian” (Thanh Hóa – 2018), “Mưa nguồn” (TPHCM – 2019) và “Mây ngàn” (Thanh Hóa -2020), "Người đàn bà đi tới mặt trời" (TP.HCM - 2022), giới thiệu hàng trăm bức tranh sơn dầu trên toan. Tất cả đều là tranh kích thước lớn.
Triển lãm "Người đàn bà tìm đến mặt trời" được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thêm một lần gửi gắm đến công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế những thông điệp rất riêng của người họa sĩ cao niên Đỗ Chung. Mỗi tác phẩm dù là tả thiên nhiên, phong cảnh, bên cạnh cái đẹp vĩnh cửu của tạo hóa, con người vẫn nhận thấy phập phồng hơi thở của cuộc sống. Ở đó con người có thể bị nhấn chìm nhưng vẫn tồn tại như một sự hiển nhiên bình thường, là nơi thiên nhiên động cựa như một thực thể hiện sinh.
Đúng như tên gọi của triển lãm "Người đàn bà đi tới mặt trời", gửi gắm thông điệp ý nghĩa, người phụ nữ hay là ai đó trong đời cũng luôn cần sự nỗ lực, bản lĩnh để tìm hướng đi riêng trong khó khăn, vượt qua khó khăn, hướng đến những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 16.10.2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm