Thị trường hàng hóa
Ngôi làng Giverny thuộc vùng Normandie, phía Tây Bắc nước Pháp. Hằng năm, nơi đây đón gần 700.000 khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến để được ngắm khu vườn ao mà danh họa Claude Monet đã bỏ ra 30 năm cuối đời để vẽ. Tại đây, nhiều họa sĩ khắp thế giới cũng đã cho ra đời những tác phẩm quý giá, bức tranh vẽ vườn ao Giverny 1 (125cm x 345cm) nhà Claude Monet của Nguyễn Minh Trí là bức tranh tiêu điểm trong bộ sưu tập được trưng bày tại TP.HCM lần này. Triển lãm đang diễn ra tại Vy Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Q.1, TP.HCM), từ ngày 3-12.3.2023.
Được biết, từ 1975 đến nay, Nguyễn Trí Minh (1924-2010) mới lại có triển lãm cá nhân tại Sài Gòn. Triển lãm "Sứ giả hội họa" bày 24 tác phẩm, chủ yếu vẽ bằng acrylic, thuộc bộ sưu tập của bà Pauline Nhung Nguyễn - bạn đời của họa sĩ Nguyễn Trí Minh. Phần nhiều những tác phẩm triển lãm lần này được sáng tác trong những thập niên cuối đời, chủ yếu vẽ tại Hoa Kỳ.
Triển lãm có sự đồng hành thực hiện của nhà sưu tập Văn Quân. Anh cho biết: “Tại hải ngoại, trong các chuyến đi triển lãm hoặc khi định cư sau này, Nguyễn Trí Minh tiếp tục đề cao vẻ đẹp thiên nhiên, với những tác phẩm có tầm cỡ lớn loại mural, như bức vẽ cảnh ao súng bờ liễu tại Giverny, quê hương của danh họa Claude Monet tại Pháp”.
Nguyễn Trí Minh sinh tại Chợ Lớn, có khiếu nghệ thuật từ nhỏ, nên theo học tại Trường Mỹ thuật Trang trí Gia Định, khóa 1942-1946, tốt nghiệp hạng thủ khoa. Ông sử dụng thuần thục nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, acrylic, sơn mài… cho sáng tác. Vừa sáng tác vừa dạy vẽ tại nhà từ năm 1946. Năm 1959, ông được mời tham gia Biennale de Paris mùa đầu tiên. Triển lãm lưỡng niên danh giá này do nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat khởi xướng vào năm 1959 và được thành lập bởi nhà văn André Malraux khi ông là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp. Mục tiêu chính là giới thiệu tổng quan về sức sáng tạo trẻ trên toàn thế giới, tạo nơi trải nghiệm và gặp gỡ.
Năm 1962, ông tham gia Đệ nhất triển lãm hội họa - điêu khắc Sài Gòn, ngoài nghệ sĩ trong nước, còn có nghệ sĩ từ 20 nước đến tham dự, giống như một hội chợ nghệ thuật. Tháng 9.1963, ông nhận được học bổng lưu trú sáng tác tại Hoa Kỳ trong 2 tháng, được viếng thăm nhiều bảo tàng, trung tâm trưng bày nghệ thuật tại Washington, Pittsburgh, Boston, Chicago, New York, Los Angeles, San Francisco… Trong thời gian lưu trú, ông đã vẽ gần 200 tranh phong cảnh, một nửa là màu nước (phong cách thủy thái họa), một nửa là sơn dầu (phong cách neo-impressionism: tân ấn tượng).
Ngay từ đầu thập niên 1950, Nguyễn Trí Minh đã có ý định đi du học về mỹ thuật hoặc tham gia các triển lãm nghệ thuật quốc tế để học hỏi, giao lưu, để giới thiệu bản sắc tranh Việt.
Nhà sưu tập Văn Quân chia sẻ: “Vừa ra trường năm 1946, Nguyễn Trí Minh đã được mời tham gia triển lãm từ trong đến ngoài nước, từ Nhà hát Tây của Sài Gòn cho tới Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại của Paris (Pháp). Phong cách vẽ ấn tượng của ông là sự kết hợp kỳ lạ của Đông-Tây, của nét bút phóng khoáng đầy năng lực với màu sắc hài hòa tươi sáng. Vì thế tranh của ông nằm trong các bộ sưu tập của người hâm mộ khắp thế giới. Ông sử dụng nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, acrylic, sơn mài… Định cư tại Hoa Kỳ năm 1975, ông tiếp tục sáng tác và dạy vẽ như khi ở Việt Nam. Sở trường về tranh phong cảnh, ông đã nổi tiếng với các tác phẩm ao sen bờ trúc tại quê nhà, ra hải ngoại, càng nổi tiếng. Thật tự hào cho nền hội họa Việt Nam khi lớp vẽ căn bản hằng năm của ông tại một trường đại học ở New York được các sinh viên đăng ký quá tải. Ông trở thành sứ giả hội họa của Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông qua đời ngày 16.10.2010 tại Dallas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi”.
Trước 1975, tại Sài Gòn, Nguyễn Trí Minh đã có khoảng 6 triển lãm cá nhân và gần 15 triển lãm nhóm. Thời bấy giờ, giai đoạn 1954-1975, ông là họa sĩ rất được ưu thích. Ngay triển lãm cá nhân đầu tiên vào tháng 5.1959 tại Phòng triển lãm Đô Thành, bày 70 bức, đã bán 52 bức. Từ 1975 đến khi qua đời, ông sống tại Hoa Kỳ, ông đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và thực hiện nhiều cuộc độc diễn one-man show về tranh. Hơn 90% số tranh vẽ trong giai đoạn này được người Hoa Kỳ và người phương Tây sở hữu.
Trên thị trường đấu giá quốc tế, khoảng 10 năm trở lại đây, đã xuất hiện vài chục lượt tác phẩm của Nguyễn Trí Minh, đa số được đấu giá thành công.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm