Thị trường hàng hóa
Sau những thành tích đáng ngưỡng mộ trên sân khấu Oscar với Everything Everywhere All at Once, hãng phim A24 tiếp tục "trình làng" mini series hài - chính kịch Beef (tựa Việt: Bất hòa). Sau hơn một tuần ra mắt, phim chứng minh sức hút của mình khi nhận 8,4 điểm IMDb và 99% "tươi" trên Rotten Tomatoes.
Tên phim là cách chơi chữ, không mang nghĩa đen để chỉ món thịt bò. Beef ở đây là tiếng lóng cho "sự thù hận". Sự hằn học dấy lên giữa Amy và Danny từ một hiểu lầm nhỏ, đã nhanh chóng leo thang thành mối thù hằn dai dẳng giữa hai kẻ nhập cư đang vùng vẫy với cuộc sống không hạnh phúc của chính mình.
Đồng thời, Beef cũng là từ mô phỏng âm thanh còi xe, phần nào ẩn dụ cho cách mà xung đột trong bộ phim bắt đầu "từ một tiếng còi inh ỏi".
Trên thực tế, Beef không phải tác phẩm đầu tiên theo đuổi ý tưởng khai thác cơn nóng giận mất kiểm soát của hai kẻ xa lạ và những hậu quả thảm khốc tiếp sau đó.
Wild Tales (2014) là bộ phim hài đen theo phong cách hợp tuyển, với 6 phim độc lập từng được đề cử Oscar đã có phần tái hiện cuộc hỗn chiến bi đát tương tự. Tuy nhiên, so với siêu phẩm đến từ Argentina, phiên bản "người châu Á ở Mỹ" vẫn có nhiều điểm mới đáng khen.
Có thể ví Beef như cuộc đấu tranh giai cấp xen lẫn chấn thương thế hệ được tường thuật qua lăng kính của những người Mỹ gốc Á.
Tiếng cười trào phúng sau mỗi tập phim khơi gợi sự suy ngẫm về chủ nghĩa hiện sinh của thế kỷ 21, đồng thời đào sâu góc khuất về văn hóa cộng đồng của người Mỹ gốc Á thế hệ thứ 2.
Tại đây, Amy Lau và Danny Cho là đại diện tiêu biểu những người nhập cư ở ngưỡng trung niên đang cố gắng xây dựng cuộc sống riêng, đối mặt với dư chấn tuổi thơ do thế hệ dân nhập cư đầu tiên để lại.
Trong phim, nghệ sĩ Hồng Đào vào vai Hanh Trinh - mẹ của nữ chính Amy Lau (Ali Wong thủ vai).
Hồng Đào cho biết, đây là cơ hội mà cô từng mơ ước từ lâu. "Dù chỉ đóng vai khách mời, dự án là kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm nghề", Hồng Đào cho biết.
Nữ diễn viên chỉ xuất hiện trong tập 8 với thời lượng khoảng 5 phút, song nhận phản hồi tốt từ công chúng. Khán giả dành nhiều lời khen cho diễn xuất và lối thoại bằng tiếng Anh trôi chảy, tự nhiên của nữ nghệ sĩ.
Hồng Đào (sinh năm 1962) ghi dấu ấn với khán giả trong nước với hàng loạt vở kịch, phim điện ảnh như Lôi vũ, Ngôi nhà không có đàn ông... Cùng với Hồng Vân, Hữu Châu, Thành Lộc, Hồng Đào thuộc thế hệ vàng của sân khấu kịch miền Nam. Thời điểm nữ nghệ sĩ diễn tại sân khấu 5B cũng là giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp của cô.
Hồng Đào hiện sống ở Mỹ cùng hai con gái. Sau khi ly hôn Quang Minh, nữ nghệ sĩ nhanh chóng cân bằng cuộc sống. Cô về nước nhiều hơn, tham gia quay phim, diễn kịch, cải lương, phim điện ảnh...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm