Thị trường hàng hóa
Trước đây, một số vở cải lương kinh điển cũng từng được phóng tác thành kịch bản phim truyền hình như: Nỗi buồn con gái của cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, Tấm lòng của biển của cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng...
Đa phần các phim truyền hình này đều tạo được sự quan tâm ban đầu nhờ vào danh tiếng vốn có của những vở cải lương. Một ví dụ thành công trong giai đoạn gần đây là bộ phim Tiếng sét trong mưa của đạo diễn Nguyễn Phương Điền được phóng tác từ kịch bản cải lương Lôi Vũ.
Bộ phim đã gặt hái thành công với lượng người xem cao, tạo được sức hút mạnh mẽ khi đưa các yếu tố ngôn tình vào câu chuyện tình yêu giữa cậu chủ và người làm công, mặc dù giới chuyên môn và khán giả cũng có nhiều tranh luận trái chiều nhưng phim vẫn tạo được hiệu ứng vang dội. Từ thành công của Tiếng sét trong mưa, các nhà làm phim nhận ra được “lối mở” cho phim truyền hình, nhất là lúc này, phim truyền hình đang khủng hoảng, thiếu hụt những kịch bản hay.
Và tiếp nối thành công ấy, các bộ phim truyền hình được phóng tác từ những vở cải lương đình đám một thời tiếp tục ra đời. Mới đây nhất, vở Duyên kiếp đã được biên kịch Hạ Thu chuyển thể thành bản phim truyền hình và hứa hẹn khiến người xem rơi lệ vì số phận và bi kịch của các nhân vật. Vốn là người mê cải lương khi đã xem qua vở diễn này nhiều lần và có cảm xúc đặc biệt, nên lần này Hạ Thu đã đặt rất nhiều tâm huyết vào tác phẩm. Cô cho biết, giữa vở cải lương kéo dài hơn hai tiếng và khi chuyển thể thành bản phim dài 37 tập, thì lẽ tất nhiên phải thêm nhiều tình tiết để tô đậm tính cách nhân vật nhằm thu hút khán giả cũng như thêm một số nhân vật phụ không có trong bản gốc, tuy nhiên để câu chuyện hợp lý và thuyết phục người xem là điều không hề dễ dàng.
Lấy bối cảnh trải dài từ những năm 1930 - 1960, thời điểm những định kiến phong kiến vẫn còn ám ảnh, bộ phim Duyên kiếp thể hiện sự thương cảm cho những phận người nghèo khổ trong một xã hội đầy bất công, tiếc nuối khi tình yêu đôi lứa phải chia đôi và mang đến cái nhìn đầy cảm thông với những phận người lầm lạc. Sự ích kỷ, lòng tham, cái ác không chỉ gây ra biết bao bất hạnh đớn đau cho những người xung quanh mà chính bản thân cũng không thoát khỏi sự quả báo do họ gây ra. Sau những bi kịch chồng bi kịch, những tội ác sẽ không thể cứu vãn nếu không có tính thiện và lòng yêu thương. Bộ phim mang đến thông điệp “Duyên kiếp là nợ, khó giải nhưng không phải không thể”. Đảm nhận vai trò đạo diễn của Duyên kiếp là đạo diễn Chu Thiện, từng được khán giả yêu mến qua các bộ phim như: Mùi ngò gai, Gia đình phép thuật, Trận đồ bát quái, Yêu trong đau thương... Anh từng chia sẻ: “Kịch bản Duyên kiếp dựa trên tác phẩm cải lương nổi tiếng, tôi và ê kíp, cùng biên kịch Hạ Thu đã gặp không ít khó khăn, trăn trở trong quá trình hoàn thiện kịch bản. Một mặt chúng tôi phải bám theo kịch bản gốc. Song song đó phải phát triển thêm các tuyến nhân vật, sự kiện trong phim để tạo tình huống hấp dẫn”. Tuy nhiên, ngay sau khi tập 1 lên sóng, lượng rating cũng như các phản hồi từ phía khán giả hiện đang rất khả quan. Phim dài 37 tập và đang phát sóng vào lúc 20 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trên kênh THVL1.
Có thể thấy, trước hiện trạng thiếu nguồn nhân lực biên kịch trong lúc nhu cầu khán giả ngày một tăng, cải lương hay những tác phẩm trong dòng chảy nghệ thuật truyền thống chính là nguồn kịch bản dồi dào để tạo ra những bộ phim hấp dẫn. Cùng với đó, đây cũng là cơ hội tốt để khán giả trẻ tiếp cận với câu chuyện phim tuy “cũ” nhưng với một cách làm “mới”, hay hơn thế là tìm về những tác phẩm gốc. Còn với những khán giả gạo cội, đây cũng là cơ hội để họ có thể thưởng thức những tác phẩm đình đám một cách mới lạ nhưng vẫn hấp dẫn và lôi cuốn.
Không gò bó như chuyển thể, phóng tác cho phép những người làm phim xử lý tác phẩm gốc tự do hơn. Người làm phim chỉ sử dụng một phần ý tưởng, hình mẫu nhân vật hoặc nội dung câu chuyện từ nguyên bản, sau đó thoải mái sáng tạo và phát triển kịch bản cho phim theo ý tưởng riêng. Vì vậy, việc phóng tác kịch bản phim từ vở cải lương chỉ là mua lại cái tứ, cốt truyện, còn mọi việc đều phải xây dựng lại từ khâu kịch bản. Tuy nhiên, đây không phải công việc đơn giản, nó đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và quan trọng là phải tìm kiếm được biên kịch giỏi để làm công việc này. Ngay cả khi kịch bản hoàn tất, các công đoạn kế tiếp trong khâu tổ chức sản xuất như tìm kiếm bối cảnh, chọn đạo diễn có nghề, diễn viên và ê kíp sáng tạo có chất lượng cũng mất không ít công sức và thời gian, bởi đa phần các tác phẩm này đều thuộc dòng phim xưa khó nhằn.
Đó là chưa kể việc nếu biên kịch, đạo diễn không thực sự hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, bối cảnh câu chuyện trong vở cải lương mà hư cấu, thêm thắt quá đà dễ dẫn đến tranh cãi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phim. Như Tiếng sét trong mưa cũng từng gánh chịu nhiều chỉ trích từ những tình tiết thêm thắt trong kịch bản phim bị quá đà, cách xây dựng tính cách nhân vật không phù hợp.
Rõ ràng sức ép đối với các nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn khi quyết định làm một bộ phim phóng tác là không hề nhỏ. Phải làm sao để phim có sự mới mẻ, phù hợp với xu thế thời đại, bối cảnh và thị hiếu khán giả nhưng vẫn phải có được sự tôn trọng những giá trị gốc, giá trị cốt lõi của nguyên tác, đó vẫn còn là một “bài toán khó”. Thế nhưng, đây cũng vừa là thách thức, lại vừa là động lực cho sự sáng tạo của những người làm phim. Những phiên bản điện ảnh, phiên bản truyền hình phóng tác từ cải lương nói riêng và những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung trong thời gian gần đây vẫn là một “điểm sáng”, vẫn là cơ hội mới cho các nhà làm phim Việt.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm