Thị trường hàng hóa
Nhiều người cho rằng, nếu như trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn là một tượng đài của những nhạc phẩm đậm tính triết lý nhân sinh, thì trong hội họa, tượng đài ấy là Bửu Chỉ. Không được cất lên bằng giai điệu và thanh âm như nhạc Trịnh, những khổ đau của Bửu Chỉ lại được ẩn hiện trong từng nét vẽ. Sau khi qua đời, tranh Bửu Chỉ trở thành của hiếm được nâng niu, cất giữ ở nhiều nơi, riêng lẻ. So với nhạc Trịnh Công Sơn - thứ tài sản phi vật thể ai cũng có thể “sở hữu”, ai cũng thuộc và hát lên khi có tâm trạng, thì với Bửu Chỉ, để công chúng được “nghe” các bức họa của ông “khắc khoải cất lời” thực sự là điều hiếm hoi.
Triển lãm “Tay níu thời gian” là cơ duyên hiếm hoi để những người yêu hội họa nói chung và họa sĩ Bửu Chỉ nói riêng có thể thỏa đam mê, đắm chìm và khám phá những nỗi niềm sâu thẳm của “trường phái Bửu Chỉ”.
“Bửu Chỉ, bằng nghệ thuật suy ngẫm, khám phá, cho ta thấy rằng, từ những nụ hoa hải đường hồng tía đến những cây đèn dầu thô sơ, những bình vôi, ly cà phê đổ, que diêm tắt, từ chim bồ câu cho đến chân dung Chúa, Phật… đều hiện xuống tác phẩm của anh đầy quyến rũ. Riêng tôi, còn thấy Bửu Chỉ như một hoá thân của “người đứng trên miệng núi lửa”, một sức sáng tạo mãnh liệt đã bị tro than cuốn đi”, họa sĩ Đinh Cường nhận định.
Hơn 30 tác phẩm trưng bày được họa sĩ Bửu Chỉ sáng tác qua nhiều thời kỳ khác nhau với chất liệu đa dạng như sơn dầu trên giấy, vải bố, bột giấy trên vóc… Ngoài các tác phẩm và câu chuyện hội họa của Bửu Chỉ, triển lãm cũng giới thiệu đến công chúng cuốn sách nghệ thuật cùng tên, phiên bản giới hạn, gồm tiểu sử của họa sĩ, các tác phẩm và các bài viết về ông. Cuốn sách phần nào giúp cho độc giả bước sâu hơn vào cuộc đời, các mối quan hệ cũng như là phong cách, nguồn cảm hứng sáng tác của ông.
Nhà nghiên cứu Lê Huỳnh Lâm nhận định: “Có thể nói rằng, thế giới hội họa của Bửu Chỉ đã mở ra cho người xem một nẻo để trở về với đời sống bên trong của mỗi người, một hành trình để nhận ra bản ngã của chúng ta. Mỗi bức tranh, mỗi mảng màu, mỗi hình thể của họa sĩ là mỗi mật mã để mở cánh cửa đã được niêm yết bởi cuộc đời đầy rẫy những âu lo, sợ hãi, mưu toan... từ đó người thưởng ngoạn sẽ tự mình khám phá thế giới nội tại của chính mình, khám phá thế giới màu sắc mang một nỗi buồn sang trọng, hàm chứa những tư tưởng triết lý sâu sắc trong tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ”.
Theo giám tuyển Lý Đợi: “Sau triển lãm tại TP.HCM cuối năm 2022, chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều nơi và quyết định lựa chọn Ana Mandara Đà Lạt là địa điểm tiếp theo để thực hiện triển lãm “Tay níu thời gian”. Bởi tại đây, trong một không gian di sản mộng mơ và nhiều hoài niệm chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm khác biệt cho người thưởng lãm. Người yêu nghệ thuật đã có thể tiến gần hơn để hòa mình cùng với những đau đáu, những nỗi niềm khắc khoải của một “trường phái Bửu Chỉ” độc đáo, vị nhân sinh và phản ánh tư duy của cả một thời đại. Hơn nữa, lúc sinh thời, Đà Lạt là một nơi chốn yêu thích của Bửu Chỉ, ông có nhiều tình bạn tại đây. Về sau này, nhiều tác phẩm của ông cũng được giới yêu thích mỹ thuật ở Đà Lạt sưu tầm, lưu giữ".
Trong 2 năm trở lại đây, Ana Mandara Villas Dalat đã trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những người đam mê hội họa thông qua các hoạt động triển lãm tranh, tổ chức các trại sáng tác, góp phần lan tỏa tinh hoa nghệ thuật, kết nối những người yêu cái đẹp và thúc đẩy cho hội họa Việt Nam phát triển. Tiếp tục với “Tay níu thời gian”, Ana Mandara Villas Dalat sẽ là điểm dừng nghệ thuật cho những người yêu hội họa nói chung và các tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ nói riêng.
Sự kiện được sự đồng hành bởi Rei Artspace trong vai trò là đơn vị chủ trương thực hiện với mong muốn tạo một không gian đặc biệt, một dấu ấn đặc biệt mang tính cách hồi cố, nằm trong các sự kiện tưởng nhớ 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ (14.12.2002-14.12.2022).
Triển lãm diễn ra đến ngày 26.5.2023, tại Le Lycée Artspace - Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, đường Lê Lai, phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm