Thị trường hàng hóa
Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng sai biệt Đông - Tây. Bởi lẽ khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được học chương trình học mỹ thuật Âu châu nhưng khi sáng tác lại được hướng về nghệ thuật dân tộc. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931 (1), mở ra cơ hội để ông được nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật.
Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp. Theo đó có nhiều cách khu biệt nghệ thuật của Lê Phổ, song có thể phân tách thành các giai đoạn: những năm tháng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm việc tại Hà Nội và khoảng thời gian đầu sau khi định cư tại Paris; thời gian hợp tác độc quyền với galerie Romanet; thời gian hợp tác độc quyền với gallery Wally Findlay.
Thêm vào đó, các chất liệu được Lê Phổ sử dụng tương đối đặc thù. Trước thập niên 50, chủ yếu ông sáng tác trên lụa nhưng đặc biệt ở chỗ, ngoài tranh mực và màu nước trên lụa truyền thống, có một sự chuyển giao, ông vẽ họa phẩm dày như sơn dầu trên lụa. Lụa được bồi trước trên bề mặt kiên cố thường là ván gỗ mỏng cỡ 3mm hoặc masonite. Tổng thể chúng mang lại hiệu ứng thị giác rất thú vị. Sau những năm 50, Lê Phổ chuyển dần sang vẽ sơn dầu sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp.
Xét riêng về tranh lụa của Lê Phổ, tổng hòa ở đó là sự học hỏi không ngừng của người họa sĩ trên một chất liệu đặc tính dân tộc. Ông đưa nhiều âm hưởng văn hóa độc đáo thông qua những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam như áo dài, khăn vấn hay mái tóc đen dài giữa một khung cảnh nhiều cây, hoa lá, hiếm khi tự họa chân dung.
Đi liền cùng chất liệu này, ngoài nhận sự giáo dục từ trường Mỹ thuật Đông Dương với các tư liệu là phiên bản tranh lụa Trung Quốc đời Đường, đời Tống, tranh lụa Nhật Bản được thầy Victor Tardieu đưa về Việt Nam cho học trò nghiên cứu thực hành, bản thân Lê Phổ cũng từng sang Bắc Kinh để tận mắt chứng kiến và học hỏi thêm để áp dụng vào sáng tác cũng như phát triển thêm. Cộng với bầu không khí lãng mạn, nhẹ nhàng, tranh lụa của Lê Phổ chính là kết quả của minh triết phương Đông đan cài với lối sống Tây phương. Các tác phẩm điển hình của ông càng ngày càng được đông đảo công chúng cả nước nhà lẫn quốc tế biết tới trên thị trường công khai trong hơn 10 năm trở lại đây.
Khắc họa hình ảnh người con gái một mình như hoài cố hương có “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn” (Jeune fille aux pivoines), 91 x 71 cm vẽ mực và màu trên lụa vào khoảng năm 1945 được đấu giá tại Aguttes ngày 06.10.2020 với mức giá 1.36 triệu đô hoặc “Thiếu nữ buộc khăn” (Jeune femme attachant son foulard), 59.5 x 48.5 cm, vẽ mực và màu trên lụa khoảng năm 1938 được đấu giá tại Christie’s 23.05.2021 với giá 1.1 triệu đô.
Đó đều là những tác phẩm điển hình cho một thời kỳ nhiều cảm xúc của người con xa xứ, song kỹ thuật vẽ lụa truyền thống lại được phô bày hết nấc. Bút pháp mang đậm ảnh hưởng của hội họa đời Tống, đường nét uyển chuyển trên không gian phẳng, người con gái xuất hiện với nét “tiết hạnh khả phong”, vừa nghiêm trang vừa mong manh tế nhị.
Khắc họa hình ảnh nhóm thiếu nữ, thường là nhóm hai hoặc ba người, Lê Phổ cũng có những phát kiến cách tân hội họa trong sự nghiệp hội họa của mình. Gần đây nhất được giới thiệu trên thị trường công khai có thể kể đến tác phẩm “Chị em trong vườn” (Les deux soeurs), 73.5 x 50.1 cm. Tranh được sáng tác khoảng trước năm 50 với chất liệu lụa bồi trên ván gỗ mỏng. Một bố cục xa gần và bảng màu bài trí thanh nhã, sơn dầu dày được dùng trên chất liệu lụa để mô tả hai thiếu nữ say sưa trò chuyện trong vườn, phía xa xa sau bụi cây còn lấp ló bóng người lướt qua. Đây là một điển hình về thanh âm nhẹ nhàng của tinh thần được khắc họa, vừa chú trọng kỹ thuật, vừa nuôi dưỡng cái tình.
Bên cạnh đó, khắc họa gia đình đông đúc, đầm ấm có tiếng trẻ nô đùa hoặc tình mẫu tử trên một mặt phẳng với nhiều tuyến nhân vật, Lê Phổ cũng từng phóng tác các khung cảnh đặc biệt, trong đó kỷ lục mới nhất về giá cho một sáng tác của danh họa này trên thị trường công khai mới đây đã thuộc về “Gia đình trong vườn” (La famille dans le jardin), 91.3 x 61.5 cm, vẽ mực và màu trên lụa khoảng năm 1938, một năm sau khi Lê Phổ từ Việt Nam trở lại Pháp và quyết định định cư. Kiệt tác này được giao dịch với giá 2.37 triệu đô.
Cũng vẫn trên lụa nhưng nếu không nhắc tới Lê Phổ và các bức vẽ hoa sẽ là một thiếu sót lớn. Lê Phổ yêu hoa và nhiều lúc trong tranh ông hoa đứng một mình, trở thành nhân vật chính. Riêng với các bức vẽ tĩnh vật, mỹ học châu Âu ảnh hưởng tới ông đáng kể. Những phi yến, mẫu đơn, anh túc,... ông vẽ ở Pháp mang nhiều kỹ thuật và tinh thần của các họa sư nước ngoài. Đó đều là những điều trên hành trình trải nghiệm một vùng đất mới, một ngôi nhà mới mà Lê Phổ đã chắt lọc biến thành của riêng mà sáng tác.
Tựu trung lại, khi nghĩ về tranh lụa của Lê Phổ, có một cái mới được tạo ra trên nền tảng gốc là bản sắc dân tộc. Kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm