Thị trường hàng hóa
Bắc Giang có các làng quan họ cổ là Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ (xã Ninh Sơn) và Sen Hồ (thị trấn Nếnh). Năm 2006, để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận quan họ là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa Thông tin cũ (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã giao Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia phối hợp Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tỉnh Bắc Giang nghiên cứu.
Làng Hữu Nghi (xã Ninh Sơn) là một làng cổ ven sông Cầu có nền văn minh lúa nước từ rất sớm, đời sống nhân dân ổn định, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển. Hữu Nghi có đình, chùa đều được xây dựng vào thế kỷ 17; đình thờ Đức Thánh Tam Giang; miếu Ấp Núi thờ Sơn thần và còn có lăng mộ Đào Hoa công chúa. Đình, chùa của làng phục vụ sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng và làm nơi sinh hoạt văn hóa của bà con trong làng, trong đó có sinh hoạt ca hát Quan họ, nhất là vào các dịp hội làng. Quan họ ở Hữu Nghi có từ lâu đời, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong làng còn nhiều người hát được các bài Quan họ cổ và nhớ được nhiều ký ức về sinh hoạt Quan họ truyền thống mà mình từng tham gia; hiện còn 37 người biết hát Quan họ. Xưa kia Hữu Nghi kết chạ với làng Quan họ Hữu Chấp (Bắc Ninh).Vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội tháng Giêng cho hết tháng 4 âm lịch, những lúc nông nhàn, bọn Quan họ của làng từng đi hát ở các nơi trong vùng như hát ở Quang Biểu, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ (Bắc Giang) và Hữu Chấp (Bắc Ninh).
Làng Nội Ninh (xã Ninh Sơn) cũng là một làng cổ có lịch sử lâu đời, có đủ các công trình văn hóa to đẹp như đình, chùa. Đình Nội Ninh hay còn có tên là đình Má, là một ngôi đình khang trang, bề thế của xứ Kinh Bắc xưa sánh ngang với đình Diềm (Bắc Ninh) và đình Thổ Hà (Bắc Giang). Hội làng vào ngày 6 tháng Giêng, sau khi làm lễ xong, còn tổ chức đu quay, chọi gà, đập niêu, cờ người, nhảy phỗng và hát Quan họ. Theo các cụ trong làng kể lại thì khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy ở làng có hát Quan họ, điều đó cho thấy Quan họ ở Nội Ninh có từ lâu đời, trở thành “báu vật” của nhân dân. Năm 1937, Minh Trúc viết trong Báo Trung Bắc tân văn: “Quan họ là lối hát đặc biệt của vài huyện tỉnh Bắc Ninh và một vài làng tỉnh Bắc Giang giáp giới với Bắc Ninh…Từ Nội Duệ đến Mật Ninh và Nội Ninh với Thổ Hà, trong khoảng ấy thì làng nào có hội trai gái cũng dắt nhau đến để ca hát mà họ gọi là để “cầu vui”. Xưa kia, Quan họ làng Nội Ninh kết nghĩa với Quan họ bên làng Diềm, làng Thị Cầu (Bắc Ninh). Quan họ làng Nội Ninh là các liền chị, còn Quan họ làng Đẩu Hàn, làng Diềm là các liền anh đi lại với nhau tham gia các sinh hoạt Quan họ. Quan họ Nội Ninh cũng thường đi hát ở các hội làng Mai Vũ, Tiên Lát, Thổ Hà. Đến nay, trong làng có 47 người biết hát Quan họ, cao nhất là 92 tuổi, trẻ nhất là 20 tuổi.
Làng Giá Sơn (xã Ninh Sơn) có núi Giá Sơn (núi to nhất, trùng với tên làng), núi Cả, núi Xống và dòng sông Cầu “Lơ thơ nước chảy” qua địa phận của làng, tạo nên phong cảnh “Sơn thủy hữu tình”, chính là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo các làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, tình tứ, say đắm lòng người. Cũng như bao làng quê khác, Giá Sơn có chùa thờ Phật và đình thờ thành hoàng làng, cùng các lễ hội truyền thống làm cho dòng chảy văn hóa được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ. Đến hẹn lại lên, làng mở hội vào 9 tháng Giêng. Những năm được mùa, làng mở hội to hơn, ngoài tế lễ, rước sách, còn tổ chức thi vật, đu tiên, kéo co, các trò chơi bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập nồi niêu, đặc biệt là mời phường chèo về hát ở đình, hát Quan họ trên thuyền rất sôi động thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tới tham dự.
Làng Mai Vũ (xã Ninh Sơn) là một làng cổ thuộc xã Ninh Sơn, còn có tên gọi khác là làng Mai Đường, Mai Đình, dân làng chủ yếu sống bằng nghề nông. Mai Vũ có hai cổng làng là cổng Tây (còn gọi là cổng Cái ở trước làng) và cổng Đông (còn gọi là cổng Vườn ở phía sau của làng); trên mỗi cổng đều có chòi canh và cử người trực gác. Làng có đình, chùa là các công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng trong vùng được xây dựng vào thế kỷ thứ 18; đình thờ Đức Thánh Tam Giang. Mai Vũ duy trì sinh hoạt Quan họ trong các dịp hội làng và giao lưu Quan họ với làng kết chạ Hoàng Mai. Tục kết chạ được bắt nguồn từ câu chuyện xưa kia làng Hoàng Mai mua bè gỗ về làm đình, xuôi theo dòng nước về đến ngòi Hoàng Mai thì mắc kẹt; thấy vậy dân làng Mai Vũ huy động trẻ già, trái gái sang kéo giúp. Đến khi Mai Vũ làm đình thì Hoàng Mai lại sang giúp đỡ, từ đó hai làng kết chạ, đi lại qua nhiều đời trở thành tục lệ đẹp nơi làng quê.
Làng Sen Hồ (thị trấn Nếnh) là một làng cổ, Sen Hồ trước đây thuộc xã Quảng Minh, nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Đình làng, một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, được xây dựng năm 1674, thờ Đức Thánh cả Tam Giang. Còn chùa được xây dựng năm 1933. Dân ca Quan họ có ở Sen Hồ từ khá sớm, từ thời Bắc Giang và Bắc Ninh còn có tên gọi là xứ Kinh Bắc hoặc có thể sớm hơn. Nhà nghiên cứu Quan họ Trần Linh Quý viết: “Quan họ Sen Hồ chơi với Quan họ Tiêu từ khi thợ ở Tiêu lên xây Tam quan chùa Sen Hồ vào năm Nhâm Tý (1792)”. Làng Sen Hồ kết chạ với làng Diềm (Bắc Ninh), một làng thờ vua Bà thủy tổ của Quan họ. Quan họ Sen Hồ thường đi hát ở các hội làng Diềm, Nội Ninh, Hữu Nghi, Giá Sơn…
Huyện Việt Yên còn có 13 làng khác hội tụ các yếu tố của một làng quan họ cổ. Ngoài ra, ở thôn Bùi Kép và Bùi Bến (cùng ở xã Yên Lư, huyện Yên Dũng) và thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (huyện Hiệp Hòa) cũng phát hiện nhiều người là nghệ nhân quan họ từ lúc trẻ. Những kết quả điều tra đã khẳng định không gian quan họ bờ bắc sông Cầu rất rộng lớn, còn lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hóa quan họ đặc sắc của vùng Kinh Bắc.
Tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chương trình bảo tồn như: Nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu quan họ cổ, mở lớp truyền dạy, hỗ trợ thành lập các CLB, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa - nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Không chỉ những làng quan họ gốc, phong trào hát quan họ đã phát triển rộng khắp hầu hết các thôn, làng trong toàn tỉnh. Người dân hát ở nhiều nơi như hội làng, hội diễn, đám cưới, mừng thọ, lễ kỷ niệm… Một trong những điểm nhấn trong bảo tồn quan họ là Liên hoan hát quan họ được duy trì hàng chục năm qua tại lễ hội Bổ Đà. Đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng với UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả dân ca quan họ.
Năm 2009, khi dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì quan họ lại càng được sự quan tâm không chỉ của các cấp, các ngành mà còn có sự quan tâm đặc biệt của các du khách trong nước và quốc tế.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm