Thị trường hàng hóa
Nguyễn Hoàng Phương
Chủ tịch IMCE Global
Gây dựng một thương hiệu đã khó. Giữ và phát triển thương hiệu khó hơn bội phần. Đó là một nỗ lực tổng hòa, đòi hỏi tuân thủ những quy trình bài bản. Trách nhiệm này không phải của riêng ông chủ (COB) hay nhà điều hành (CEO), mà mỗi thành viên trong tổ chức đều phải nhận thức rõ nét về bổn phận của mình trong đó.
Khi nói tới thương hiệu và chiến lược tiếp thị hỗn hợp, nhiều doanh nghiệp quen với mô thức 4P (Product - Price - Place - Promotion) hoặc 7P (4P cơ bản và có thêm People – Process - Phylosopy).
Thực tế, thương hiệu có tính hội nhập thường dùng một dạng mô thức nữa để tạo nên tính thẩm mỹ trong tiếp thị. Trong đó, sự trải nghiệm, sự khác biệt được đề cao trên nền tảng sản phẩm và dịch vụ thực sự ưu trội. Đó là mô thức 3P: People (Con người), Purpose (Mục đích) và Participation (Sự tham gia).
Con người là đối tượng trung tâm của thương hiệu
Các nhà điều hành hiểu rằng thương hiệu chỉ tồn tại được và phát triển thành công khi tập trung vào khách hàng mục tiêu trong từng cộng đồng khác nhau.
Trong mô thức 3P, “People - con người” mang trong mình một sắc thái phong phú và đa dạng hơn nghĩa của từ ngữ. Dữ liệu về nhân khẩu, tần suất, lượng mua và phương pháp giao dịch sẽ giúp khắc thêm những dấu ấn với khách hàng của mình, tạo ra một thương hiệu mang tính trải nghiệm cao.
Một khách hàng bước vào một tiệm cà phê, được nhân viên phục vụ chào hỏi thân thiện, nhớ tên mình, không cần hỏi đã biết được khẩu vị của mình thế nào, được mang ra tất cả những thứ mình cần với một cảm giác dễ chịu. Lúc sau, vị khách sang cửa hàng tiện ích gần đó, nơi không ai biết mình là ai, một lời chào hỏi cũng không có, thanh toán tiền không một lời cảm ơn. So sánh và lòng bảo dạ: “Tiệm cà phê đang ý thức tạo nên một thương hiệu trải nghiệm, cửa hàng tiện ích kia đang vô thức xây dựng một thương hiệu ‘bình dân vụ’- đến cũng được mà không đến càng tốt”.
Càng hiểu rõ, ghi nhớ và phân tích thông tin của khách hàng sâu sát, doanh nghiệp sẽ tạo ra năng lực đáp ứng tốt hơn mong muốn của họ. Một thương hiệu có tính thẩm mỹ là một thương hiệu cho người ta cảm giác được quan tâm, thấu hiểu và chung thủy.
Mục đích vì những khát vọng tốt đẹp
Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, đòi hỏi nhiều hơn và sự trung thành ngày càng giảm. Họ sẽ gắn bó nếu tính mục đích của thương hiệu trùng với khao khát cá nhân của chính họ. Vì ai cũng muốn cống hiến, trở thành một công dân tốt, được đánh giá cao trong mắt những người khác.
Thương hiệu bền vững có mục đích cống hiến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và cam kết mạnh mẽ để thay đổi cộng đồng theo hướng tốt đẹp hơn.
Báo cáo của Deloitte, Edelman và Havas Media cho thấy chỉ 6% người tiêu dùng chấp nhận tính mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp là lợi nhuận cho cổ đông; 90% sẽ tẩy chay những thương hiệu thiếu trách nhiệm; 91% sẽ chuyển sang sử dụng hàng hóa của thương hiệu khác có mức giá và chất lượng tương đương nhưng có đạo đức, trách nhiệm kinh doanh, thân thiện với cộng đồng.
Sự tham gia mang tính chất cộng hưởng
Hàng tối, cha mẹ đọc cho con nghe chuyện nàng công chúa ngủ trong rừng, Buratino, các nhân vật hoạt họa. Việc này khác với việc bố mẹ đưa các con tới công viên, để các con được ngạc nhiên, được phấn khích khi tận mắt chiêm ngưỡng. Việc tham gia trực tiếp và trải nghiệm tính mục tiêu của một thương hiệu thực ra là một.
Các hình thức và công cụ quảng bá ngày càng nhiều, bùng nổ trong thời kỳ số hóa và cái gì cũng đều thông minh - “smart”. Tuy nhiên, nếu khách hàng chủ động tham gia sự kiện do doanh nghiệp tổ chức, họ sẽ được trải nghiệm sự cải tiến của các sản phẩm, hiểu tầm nhìn và lộ trình phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta đang tạo ra những không gian để có thể “trò chuyện” với nhau, thông điệp biến thành trải nghiệm dễ nhớ và tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
Thuật ngữ “kỷ nguyên của sự tham gia và cùng cộng hưởng” được đưa ra bởi John Schwartz, CEO của Sun Microsystems vào năm 2005. Giờ đây thuật ngữ này đang dẫn dắt những thay đổi lớn trong quy trình xây dựng thương hiệu.
Một thương hiệu hội nhập không sử dụng từ ngữ “người tiêu dùng, khách hàng”, mà xem họ là “người tham gia và cộng hưởng”. Lúc trước là giao dịch, bây giờ là tương tác; lúc trước là lợi nhuận, bây giờ là niềm vui.
Để thay đổi được điều này trong tư duy của các ông chủ doanh nghiệp nước nhà sẽ còn nhiều khó khăn và nan giải. Nhưng chúng ta đều tin rằng dẫu chưa làm được, thì hướng nguyện tốt đẹp luôn là điều nên làm.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm