Thị trường hàng hóa
Daniel Pham
Co-founder & CEO Vietnam Outsourcing
Là bộ phận không thể thiếu, CNHT có vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Trong 7 tháng đầu năm, ngành CNHT Việt Nam đã có những bước hồi phục rõ nét.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.
Mới đây, phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ, chuyên gia Daniel Phạm, Giám đốc Công ty Vietnam Outsourcing/ Phó Chủ tịch Công ty Intel Media & Consulting, nhận định các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam tuy tiếp cận với thị trường thế giới chưa lâu nhưng đạt được kết quả như trên là đáng khích lệ.
Trong khi đó, ngành CNHT đặc biệt là ngành công nghiệp chất bán dẫn đang có xu hướng chuyển dịch dần về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà Việt Nam đang là một trong những điểm đến vô cùng tiềm năng. Minh chứng là nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của Mỹ đã và đang đến khu vực này tìm hiểu thị trường và giao dịch sản phẩm.
Chuyên gia Daniel Phạm cho biết bên cạnh những hỗ trợ cho ngành CNHT về chính sách, chương trình của Chính phủ thì các doanh nghiệp CNHT, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đang được hỗ trợ rất lớn bởi các đơn vị tài chính về chi phí dành cho vật tư, máy móc. Chuyên gia đánh giá tài chính đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc của doanh nghiệp Việt không còn quá khó khăn bởi tỷ lệ duyệt của các đơn vị tài chính với khoản vay này gần như đạt tuyệt đối.
Mặc dù vậy, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là còn rất hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp SME ngành CNHT đang gặp phải nhiều thách thức trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những khó khăn về tài chính. Thứ nhất là khó khăn về dòng tiền của các doanh nghiệp trong giai đoạn biến động vừa qua, nhất là trong thời kỳ dịch Covid -19 bùng phát.
Đơn cử như việc các doanh nghiệp sản xuất mua vật tư phải mua theo hình thức “tiền tươi”, tức là sáng nhận được báo giá lập tức chiều phải chuyển tiền đi. Tuy nhiên, đây không hoàn toàn là vấn đề về tài chính mà là vấn đề do nhiều yếu tố như mối quan hệ trên phương diện đàm phán của nhà máy với nhà cung cấp, nhà máy với khách hàng… Thêm nữa, đây chỉ là khó khăn cục bộ trong ngắn hạn.
Tiếp theo, vấn đề mang tính “truyền thống” mà đa số các doanh nghiệp SME CNHT Việt Nam đang gặp phải khi làm việc với các đối tác lớn quốc tế đó là thời hạn thanh toán dài. Theo đó, thời hạn thanh toán đơn hàng của các đối tác này có thể lên tới 60 - 90 ngày, thậm chí là 120 ngày.
Việc giao dịch với một khách hàng mới, sản phẩm mới với thời hạn thanh toán như trên khiến nhiều doanh nghiệp SME không dám hoặc không đủ nguồn vốn để nắm bắt được cơ hội vươn ra quốc tế này. Do đó, giải pháp cho vấn đề này mà chuyên gia Daniel Phạm đưa ra cho các doanh nghiệp SME là giao dịch thanh toán bằng “quyền đòi nợ”.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chấp nhận và có niềm tin với khách hàng của mình. Lấy ví dụ về Công ty Vietnam Outsourcing, chuyên gia chỉ ra rằng với một đơn hàng thời gian thanh toán trong 120 ngày của công ty thì chi phí tài chính chỉ chiếm 0,5%, khi hoàn tất chứng từ doanh nghiệp sẽ nhận được thành toán thì đây cũng không phải là một thời hạn thanh toán kém hiệu quả.
Về cách dự phóng tài chính, chuyên gia Daniel Phạm đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp SME rằng khi làm việc với các khách hàng lớn quốc tế thì việc cải thiện dòng tiền từng bước là hiệu quả nhất. Ông khuyến khích doanh nghiệp SME ngành CNHT nhìn nhận các rào cản tài chính như một bộ lọc rủi ro với công ty mình. Nếu ước tính rủi ro về tài chính của cơ hội đó lớn thì doanh nghiệp nên tìm một sân chơi mới, vừa sức hơn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm