Thị trường hàng hóa
Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng của năm 2022, Việt Nam thu hút 15,54 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 4,5 tỷ USD, chiếm 27,03% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 20,9%; Nhật Bản 1,5 tỷ USD, chiếm 8,9%.
Tổng vốn đăng ký của Singapore năm 2020 đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đăng ký. Năm 2021, Singapore tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 11,4 tỷ USD, chiếm 29,3%. Đồng thời, Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Chia sẻ tại chương trình Hội thảo - Kết nối giao thương giữa Việt Nam và Singapore, TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm trước những diễn biến gần đây của thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo cao… thì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Không chỉ các công ty lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và các nhà khởi nghiệp Singapore đang chú ý đến Việt Nam như một bệ phóng lý tưởng cho doanh nghiệp của mình.
Phần lớn, các dự án đầu tư của Singapore có quy mô lớn. Quy mô dự án bình quân của Singapore là trên 23,5 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam là trên 12,1 triệu USD/dự án. Điều này cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư Singapore vào các chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh và triển vọng phát triển của Việt Nam.
Từ lâu, Singapore được biết đến là quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và phát triển bậc nhất khu vực, mệnh danh là một trong bốn “con rồng châu Á”. Với thế mạnh là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, khoa học công nghệ, quốc gia này rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội đầu tư - thương mại.
Theo TS Võ Trí Thành, đây là thời điểm vàng để Việt Nam và Singapore kết nối giao thương. Đặc biệt, chuyên gia đã chỉ ra 4 nhân tố lớn thu hút các doanh nghiệp Singapore quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam hiện là một nền kinh tế đang phát triển và là một nền kinh tế mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Singapore khai thác, khám phá để kinh doanh.
Đáng nói, kinh tế Việt Nam đang có những bước tăng trưởng vững chắc trong thời gian qua. Hầu hết các chuyên gia kinh tế nước ngoài đều lạc quan khi nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới, bất chấp bối cảnh quốc tế còn nhiều khó khăn và tầng lớp trung lưu trong nước vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Thứ hai, Việt Nam còn nhiều hạn chế như giáo dục chưa thực sự phát triển, cần thời gian để cải thiện hạ tầng, nâng cấp môi trường đầu tư - kinh doanh,... Ngược lại, Singapore là quốc gia có thể mạnh về các lĩnh vực: phát triển hạ tầng, logistics, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, công nghiệp hàng hải, hàng không vũ trụ…
Do đó, đây sẽ là cơ hội kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những điểm hạn chế của Việt Nam cũng chính là lợi thế với các doanh nghiệp khi mang những lĩnh vực thế mạnh sang đầu tư và phát triển.
Thứ ba, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới về thương mại và đầu tư. Hiện, thương mại về xuất - nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ trên GDP của Việt Nam là trên 200%. Nguồn vốn FDI đã trở thành bộ phận hữu cơ trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% mỗi năm vào tổng vốn đầu tư Việt Nam.
Việt Nam cùng Singapore là các quốc gia đi đầu khu vực hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết và đàm phán hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào các quốc gia mà Việt Nam có ký kết các hiệp định FTA như Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Hai nước hiện đã có quan hệ đối tác chiến lược với các khuôn khổ hợp tác kinh tế chặt chẽ như Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21, Hiệp định khung về kết nối Việt Nam – Singapore, các Hiệp định về đầu tư, thương mại trong khuôn khổ ASEAN,… Vì vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam và Singapore khá tương đồng, tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh song phương có hiệu quả. Có thể nói, Việt Nam thực sự là trung tâm kết nối thương mại đầu tư toàn cầu với tất cả thị trường, các nhà đầu tư lớn nhất thế giới.
Thứ tư, Việt Nam và Singapore là đối tác chiến lược sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. TS Võ Trí Thành khẳng định mối quan hệ này được bồi dưỡng và vun đắp từ thời Cố Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu và những năm qua luôn phát triển tích cực.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore đã và đang tạo dựng sự tin tưởng và tương trợ lẫn nhau, cũng như đưa ra những cam kết mạnh mẽ của hai bên trong việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore và hợp tác chặt chẽ hướng tới cùng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tất cả các yếu tố trên giúp cho Việt Nam giữ vững lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Singapore.
Chương trình Hội thảo - Kết nối giao thương giữa Việt Nam và Singapore được tổ chức bởi Intel Media & Consulting (đơn vị trực thuộc IMCE Global) và Talentnet Advisory Services, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác và xúc tiến giao lưu thương mại Việt Nam – Singapore. Để tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như tăng cường giao lưu và kết nối cùng nhiều doanh nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia Cộng đồng SMEs Việt Nam tại link dưới đây. Group Facebook: www.facebook.com/groups/congdongsmesvietnam |
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm