Thị trường hàng hóa
Phạm Hiệp
Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation
Thời gian qua, sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển đang "làm mưa làm gió" khiến nhiều người quan tâm.
Được biết, ứng dụng ChatGPT (chatbot) được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới. Công cụ này có thể trò chuyện, trả lời lưu loát đầy đủ các câu hỏi mà bạn đưa ra, bất kể là thắc mắc về lĩnh vực gì.
Khi ChatGPT ra mắt, người sử dụng muốn tra cứu đã bắt đầu trò chuyện với công cụ này thay vì tìm kiếm thông tin trên google. Với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, các câu hỏi thắc mắc của người sử dụng sẽ được trả lời chỉ sau vài giây...
Bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại, nhiều người đang lo ngại về việc AI này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với nền giáo dục.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô ví sự xuất hiện của ChatGPT giống với sự xuất hiện của Google cách đây 25 năm khiến mọi người phải kinh ngạc.
"Nếu biết cách khai thác ChatGPT, đây sẽ trở thành công cụ hỗ trợ rất tốt trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Ngược lại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể khiến các giáo viên khó kiểm soát người học. Còn học sinh, sinh viên sẽ rơi vào tình trạng ngại tư duy do phụ thuộc vào ChatGPT" - tiến sĩ Hiệp chỉ ra những mặt lợi và hại của ChatGPT.
Cũng theo tiến sĩ Hiệp, ChatGPT có khả năng trao đổi, tương tác và phân tích một vấn đề. Học sinh, sinh viên có thể tận dụng để học hỏi thêm kiến thức. Thay vì phải tự học ở nhà một mình như trước đây, thì nay học sinh, sinh viên sẽ có thêm một công cụ giúp cung cấp thông tin. Tuy nhiên, không phải lúc nào thông tin mà ứng dụng này cung cấp cũng đều chính xác.
Theo đó, tiến sĩ Hiệp đưa ra khuyến cáo, người học cần biết chọn lọc thông tin và xác thực từ nhiều nguồn khác nhau. Thêm vào đó, cần coi đây chỉ là một nguồn thông tin tham khảo, tránh lệ thuộc và sao chép.
Đối với giáo viên, ChatGPT cũng là một nơi giúp cập nhật những kiến thức mới. Dù vậy, ChatGPT cũng chính là một thách thức lớn đối với những nhà giáo trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, các sinh viên tại một số nước trên thế giới đã “nhờ” ChatGPT viết bài luận.
"Do đó, các giáo viên thay vì kiểm tra theo từng thời điểm như trước đây, thì nên đánh giá các học sinh của mình theo từng quá trình. Việc đánh giá theo từng giai đoạn sẽ giúp người học không còn quá áp lực về điểm thi giữa kì hay cuối kì, từ đó cũng giảm thiểu được những gian lận trong thi cử. Đây cũng là cơ hội để giáo viên nhìn nhận lại và nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức đánh giá mới" - tiến sĩ Phạm Hiệp góp ý.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Phạm Hiệp, trao đổi với Báo Công Thương, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh, Giảng viên Đại học RMIT cho hay, quan điểm của tôi vừa có lợi và có hại. Với những gì có thể mang lại, ChatGPT hoàn toàn có thể trở thành “một người bạn biết nhiều” của chúng ta.
Về mặt tích cực, một số dẫn chứng khoa học cho thấy ChatGPT có khả năng dịch bài tốt, giúp tăng năng suất, tổng hợp nhanh và tiết kiệm thời gian hơn.
Tuy nhiên, bản chất của ChatGPT là dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp thông tin, và thực tế, có nhiều công cụ khác cũng làm được như vậy chứ không phải mỗi ChatGPT. Cũng như Google, nếu người dùng không biết lọc thông tin xem cái nào đúng và dùng được, cái nào không thì cũng khó mà ứng dụng.
Theo đó, bà Hạnh chỉ ra một số điểm cần lưu ý đối với môi trường giáo dục đó là học sinh, sinh viên không nên phụ thuộc vào ChatGPT, vì rất dễ dẫn tới việc lười tư duy và nếu sử dụng thì cũng phải có tư duy phản biện, sàng lọc và kiểm tra lại tính đúng, sai của thông tin mà ChatGPT cung cấp.
Còn đối với giáo viên thì cần chú ý khi ra đề thi, không nên chỉ chú trọng những câu lý thuyết, phải gắn với phân tích và thực tế thì sinh viên mới có tư duy phân tích. Đặc biệt, sẽ tuỳ thuộc vào mỗi trường, ví dụ như khi ra đề đòi hỏi phân tích cao thì cũng không dùng công cụ này được.
“Sự phát triển của công nghệ mang tính khách quan, nếu ChatGPT không xuất hiện ở thời điểm này thì cũng sẽ xuất hiện trong tương lai gần và không có ChatGPT thì cũng sẽ có những công cụ tương tự thay thế. Một công nghệ mới ra đời luôn đi kèm với mặt tốt, mặt xấu và ChatGPT không phải trường hợp ngoại lệ. Theo đó, để hạn chế những mặt tiêu cực, chúng ta cần phải có những giải pháp kịp thời ứng phó. Đặc biệt trong môi trường giáo dục” – tiến sĩ Hạnh nêu.
Đánh giá thêm về mặt tích cực, và hạn chế của ChatGPT, anh Đào Văn Toàn - một chuyên gia công nghệ cho hay, sự ra đời của ChatGPT có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu được rất nhiều chi phí như có thể cắt giảm được đội ngũ nhân sự lên ý tưởng, viết Content (nội dung).
“Nhờ việc ứng dụng ChatGPT trong hơn 1 tháng qua tôi đã cho đội ngũ nhân viên viết Content ở công ty chuyển sang làm những công việc khác. Đặc biệt, ChatGPT có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm có sáng tạo về nội dung, giúp doanh nghiệp đưa ra những ý tưởng hay, mới, thậm chí hơn hẳn nguồn nhân lực sẵn có” - anh Toàn thông tin.
Tuy nhiên, anh Toàn quan ngại, trong môi trường giáo dục ChatGPT có thể sẽ tạo nên tâm lý thụ động, lười tư duy, ỷ lại vào công cụ khi nó có thể thay thế tìm chính xác nội dung mà người dùng muốn tìm kiếm. Theo đó, để khắc phục, ngành giáo dục cần có những phương án ứng phó linh hoạt hơn để có thể đánh giá khách quan năng lực của học sinh.
Cũng theo anh Toàn nhận định, khoảng 1 tháng nữa thôi, ChatGPT sẽ phổ biến tại Việt Nam. Do đó, anh khuyến cáo, quan trọng người dùng, đặc biệt là các học sinh, sinh viên trước khi dùng ChatGPT cần xác định rằng mục đích sử dụng của mình là gì, để từ đó không bị lệ thuộc vào AI này. Việc sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo với mục đích gian lận sẽ khiến cho người học mất dần khả năng tư duy khoa học và phản biện.
Giáo viên cũng cần thay đổi để thích ứng với những công nghệ mới. Dù cấm hay không, các học sinh, sinh viên có thể vẫn sẽ sử dụng ChatGPT và các công cụ tương tự để hỗ trợ trong việc học. Vậy nên, ngành giáo dục cần đưa ra những đề xuất điều chỉnh về pháp luật cũng như có hướng dẫn rõ ràng để hạn chế được các tiêu cực và phát huy được mặt tích cực của AI này.
Thực tế, sức mạnh của công nghệ là không thể phủ nhận. ChatGPT đang từng bước tạo ra những thay đổi trong việc dạy và học. "Bộ máy ngôn ngữ" này có thể viết được những bài luận học một cách hoàn hảo. Theo các chuyên gia, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ.
Như một giáo sư tại Đại học Mở ở Vương quốc Anh chia sẻ, ông đã chứng kiến những bước đột phá lớn của công nghệ trong suốt 40 năm sự nghiệp của mình ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - bao gồm tiền thân của ChatGPT là GPT-3.
Tuy nhiên, ông đã đưa ra lời cảnh báo, ChatGPT sẽ gây ra tình trạng đạo văn trong môi trường giáo dục. Bởi hiện nay, một số sinh viên đã sử dụng công nghệ này để cho ra đời những bài luận mang tính học thuật một cách hoàn hảo. Nó đang dần trở thành một "kẻ viết hộ" hoàn toàn miễn phí cho người dùng.
Ứng dụng ChatGPT đang được đánh giá là ưu việt, song thực tế, nhiều người xài thử trong một số trường hợp đã cho thấy kết quả phản hồi về ChatGPT chưa thực sự chuẩn xác, không như kỳ vọng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm