Thị trường hàng hóa
Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn khiến giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước. Trước tình hình đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ngày 17/10, Ngân hàng nhà nước ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND/USD được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế - Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, thời gian qua, áp lực lên tỷ giá VND rất lớn. Do đó việc NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% từ đầu tuần này là cần thiết, giúp tạo ra điểm cân bằng mới, giảm áp lực liên quan đến cung cầu ngoại hối trên thị trường, đặc biệt tạo dư địa để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, mức điều chỉnh từ +/-3% lên +/-5% là hợp lý. Bên cạnh đó, động thái này không chỉ kiểm soát tỷ giá mà còn làm giảm áp lực cung - cầu ngoại tệ.
Tuy nhiên, nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định. Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng nhiều biện pháp như: sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…
Do đó, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế. Gần đây, NHNN cũng liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng mạnh. Việc nới biên độ tỷ giá giao ngay và nâng tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá VND/USD tại các NHTM đã tăng hơn 6% kể từ đầu năm.
Giới phân tích cho rằng, biên độ tỷ giá tăng thêm sẽ không tác động quá lớn đến động thái khối ngoại do thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi lãi suất nhiều hơn tỷ giá. Nhưng doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chịu áp lực từ việc tăng biên độ tỷ giá, bởi đồng USD đắt lên sẽ tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa. Vì vậy, việc tăng biên độ tỷ giá sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời gian tới.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, việc nới biên độ tỷ giá tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán của NHNN để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu.
Do đó, ông khuyến cáo các doanh nghiệp cần tính toán đến chênh lệch tỷ giá khi vay ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD rẻ. Song tới kỳ thanh toán trả nợ, giá USD lại tăng cao dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá khá lớn.
Bên cạnh đó, các công ty nên đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: Mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
Áp lực tăng tỷ giá những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn. Trên thực tế, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng với biên độ khá lớn sau khi NHNN quyết định nới biên độ tỷ giá. Tỷ giá USD trung tâm ngày 24/10 được NHNN công bố tiếp tục tăng thêm 12 đồng mỗi USD, niêm yết ở mức 23.700 đồng/USD. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN điều chỉnh tăng mạnh thêm 490 đồng trong phiên đầu tuần lên 24.870 đồng/USD.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm