Thị trường hàng hóa
Xuất hiện ở Anh vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX, thuật ngữ “công nghiệp sáng tạo” không còn mới mẻ hay lạ lẫm. Theo UNESCO, công nghiệp sáng tạo bao gồm những sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Đó là hoạt động bắt nguồn từ kiến thức, sự sáng tạo, kỹ năng hay tài năng của cá nhân.
Nhiều ngành hiện nay được coi thuộc về công nghiệp sáng tạo gồm: truyền thông, truyền hình, phần mềm, nghệ thuật, in ấn xuất bản, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật.... nơi lấy sức sáng tạo của con người là trung tâm nhằm tạo ra của cải qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Điều đó giải thích lý do vì sao tại những quốc gia có nền văn hóa đa dạng, lâu đời, ngành CNST lại được chú trọng một cách đặc biệt. Thực tế cho thấy ngành CNST tại nhiều quốc gia đã có những đóng góp GDP ấn tượng. Như tại Thái Lan, mức đóng góp của ngành công nghiệp này là 7,58% vào năm 2020.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2008, riêng tại châu Âu, ngành CNST đã đóng góp 3% GDP, 10% kim ngạch xuất nhập khẩu và tạo ra 6 triệu việc làm. Hội nghị Thế giới về Kinh tế Sáng tạo 2018 đã khẳng định tiềm năng to lớn của CNST trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và phát triển văn hóa, xã hội. Theo dự đoán, CNST có thể chiếm 10% GDP toàn cầu trước năm 2030.
Liên Hợp quốc đã khẳng định CNST là sự lựa chọn phát triển khả thi với các nước đang phát triển, thâm chí là tạo bước nhảy vọt trong môi trường luôn biến động như hiện nay. Thực tế, không ít công ty trong nước và quốc tế hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực này tại Việt Nam những năm gần đây. Điều đó đã cho thấy, ngành CNST đang dần chiếm ưu thế với cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
Việt nam cũng đã đạt một số thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực này như 5 lần vô địch Robocon châu Á, Cầu Rồng tại Đà Nẵng được vinh danh quốc tế bằng Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc (EEA) của Hội đồng Các công ty kỹ thuật Mỹ (ACEC) năm 2014. EEA là giải thưởng danh giá thế giới, được ví như “giải Oscar của ngành kỹ thuật”.
Việt Nam đang được đánh giá là trung tâm cơ hội mới của thế giới bởi những lợi thế giao thoa của địa lý, văn hóa và ngôn ngữ. Những ngành dịch vụ sáng tạo có thế mạnh của Việt Nam có thể kể đến: thiết kế, nghệ thuật, giáo dục, du lịch, biểu diễn, thời trang, mỹ thuật, thủ công, mỹ nghệ, văn hoá, ẩm thực.
Tuy nhiên, tác giả Hoàng Hà (2014) với nghiên cứu “Công nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị” đã chỉ ra rằng vấn đề ngành CNST ở Việt Nam còn ít được quan tâm, khá mới mẻ, tự phát và chủ yếu là nhập khẩu dây chuyền công nghệ từ các nước. Tác giả đã chỉ rõ, cuối năm 2013, ngành CNST của Việt Nam mới chỉ đóng góp được 3-5% tổng giá trị xuất khẩu.
Việt Nam cần thúc đẩy ngành CNST thông qua văn hóa phần mềm, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Đây là những lĩnh vực của thời đại công nghệ số đang phát triển như vũ bão trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI và thu hút đầu tư.
Nhìn chung do CNST chưa được định nghĩa rõ ràng tại Việt Nam nên chưa có các số liệu thống kê cụ thể, cũng chưa có một chính sách, chiến lược quốc gia cho lĩnh vực đầy tiềm năng này. Do đó Việt Nam cần tìm ra hướng đi phù hợp cho ngành CNST và khẳng định vị trí xứng đáng của Việt Nam trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu./.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm