Thị trường hàng hóa
Nếu như trước đây, câu chuyện về hệ sinh thái khởi nghiệp và startup thường xuyên được nhắc đến thì 1-2 năm trở lại đây, mọi người được nghe nói nhiều hơn về hệ sinh thái ĐMST/ĐMST mở.
Về sự thay đổi này, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO của ACCESSTRADE Vietnam cho biết, từ góc độ xã hội, startup giống như việc thử nghiệm để làm ra những giải pháp mang tính bước ngoặt, tạo ra những thay đổi mà trước đây chưa từng chứng kiến, giống như cách Grab, Uber, Google từng làm. Đó có thể coi như một giải pháp ĐMT trong quá trình sản xuất, công nghiệp hoá, nông nghiệp…. Đối với các DN lớn, họ chi tiền rất nhiều cho quá trình nghiên cứu và phát triển để nhìn thấy những xu hướng thay đổi có thể áp dụng vào thực tế.
Nhờ phong trào startup mà nhiều DN công nghệ lớn đã hình thành như VNG, MoMo hay Vnpay. Điều này đã khiến cho các tập đoàn, ngân hàng lớn "giật mình" và phải thay đổi. Thay vì sáng tạo từ các bộ phận Nghiên cứu và phát triển bên trong DN có quá nhiều rào cản, mà hướng đến việc tìm kiếm, những giải pháp đột phá ở bên ngoài, phù hợp với sự phát triển của công ty, nếu không muốn trở thành "những con khủng long biến mất khỏi thị trường".
"Đó là lý do vì sao gần đây, người ta nói nhiều về ĐMST, không phải vì bây giờ mới xuất hiện, mà do các DN, tập đoàn lớn nhận ra những mối đe doạ từ bên ngoài, startup và khiến họ buộc phải thay đổi", ông Hưng lý giải.
Một nguyên nhân khác khiến trước đây, Việt Nam ít nhắc đến ĐMST vì các DN thường học hỏi mô hình của nước ngoài, sau đó cải tiến và áp dụng. Nhưng hiện nay, do các mô hình trên thế giới đều đã được ứng dụng ở Việt Nam, nên nếu các công ty không tự mình nâng cấp, thay đổi thì sẽ bị các DN nước ngoài cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Vì vậy, theo ông Hưng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều mô hình ĐMST thành công, ví dụ như ngành bán lẻ với Thế giới di động, khi mà ngay cả khu vực Đông Nam Á, cũng có rất ít DN có thể tạo ra một mô hình "khủng khiếp" và độc đáo như vậy, một đơn vị bán từ bó rau, con cá cho đến điện thoại iPhone.
Hay với DN, mục tiêu sau cùng luôn là phải tăng trưởng, tăng doanh thu, bán được nhiều hàng hoá hơn với mức chi phí thấp hơn. Để làm được như vậy, DN cần phải có sự sáng tạo trong marketing và trải nghiệm khách hàng, cũng như cải tiến hiệu suất lao động. Một cải tiến gần đây đang được ứng dụng rất mạnh mẽ, đó là nếu như trước đây, DN phải thuê hàng nghìn nhân sự để tiến hành bán hàng từ xa qua điện thoại (telesale), thì hiện nay, chỉ với một chatbot - AI Voice, gọi điện thoại bằng trí tuệ nhân tạo (AI), các công ty có thể giảm 50% số lượng nhân sự, bằng cách phục vụ nhiều khách hàng hơn, trong khi chi phí lại giảm xuống.
Bên cạnh đó, bất kì DN nào cũng cần tiết kiệm chi phí, cần nâng cao vấn đề vận hành, hiệu suất cao hơn, ít phụ thuộc vào con người hơn. Vì vậy, cần quản trị từ con người, thông tin, tài chính cho đến dữ liệu một cách thông minh, hiệu quả hơn. Các sản phẩm như Base.vn, 1Office đã giải quyết được vấn đề quản trị, tăng khả năng cạnh tranh, tăng hiệu suất của DN.
Ngoài ra, nếu như ngày xưa không có Internet, các DN thường tiếp cận khách hàng thông qua quảng cáo trên tivi, để đến được với hàng triệu người. Nhưng giờ với Internet, các đơn vị có thể tiếp cận được hàng tỷ người và biết chính xác trong số đó có những ai đang quan tâm đến sản phẩm của mình. Chưa kể, DN hiện nay, với hệ sinh thái và việc áp dụng công nghệ, họ có thể tăng hiệu suất sản xuất và quản trị một cách dễ dàng hơn. Điều này thể hiện rõ trong 2 năm qua, mặc dù làm việc từ xa, nhưng rất nhiều DN vẫn làm việc bình thường vì đã tìm được cách quản trị theo kiểu mới.
"Tôi cho rằng đây là những bài toán muôn đời của DN, nếu đi theo đó thì cơ hội cho các startup công nghệ sẽ không bao giờ kết thúc", ông Hưng chia sẻ thêm.
Còn tại sao câu chuyện ĐMST đang ngày càng trở nên quan trọng với DN ở Việt Nam, để nâng cao trải nghiệm khách hàng, ông Hưng cho rằng, theo nghiên cứu, động lực của các xu hướng gần đây bao gồm: Lấy khách hàng là trung tâm; Các công nghệ mới.
Đối với động lực đầu tiên, ông Hưng đã dẫn chứng câu chuyện cách đây khoảng 20 năm, khi mua tivi, người dùng không có nhiều lựa chọn, ngoài một vài hãng như Sony, khi đó quyền lực thuộc về người bán. Nhưng hiện nay, do bùng nổ sản xuất nhờ những sự cải tiến, sáng tạo trong công nghệ sản xuất, người dùng đã có nhiều lựa chọn hơn và trở thành trung tâm. Do đó, các ngân hàng, các nhà sản xuất…, phải tìm cách lấy lòng người dùng, thay vì cứ sản xuất là bán được hàng như trước.
Động lực thứ hai dẫn đến sự thay đổi là yếu tố công nghệ, như quảng cáo trên Facebook, một nhãn hàng có thể tiếp cận hàng tỷ người dùng một cách nhanh chóng. Chưa kể, các công nghệ IoT, công nghệ viễn thông…mọi người dễ dàng tương tác và giao tiếp hơn bao giờ hết, bất kể thời gian và không gian.
Hai động lực này dẫn tới các nhu cầu như phải làm thế nào để gần người dùng hơn, cá nhân hoá nhu cầu mà người dùng mong muốn hay chăm sóc khách hàng thật tốt để trung thành với mình, thay vì sử dụng sản phẩm khác. "Công nghệ hoàn toàn hỗ trợ tốt những việc này", ông Hưng khẳng định.
Ví dụ như mô hình siêu thị (supermarket) truyền thống như AEON Mall hay Winmart, dù có quy mô rất hoành tráng nhưng số lượng mặt hàng không thể nhiều như những sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Taobao, Amazon. Đó là những đại siêu thị (hypermarket) chứa hàng triệu hay hàng trăm triệu sản phẩm, có thể bán cho mọi địa điểm trên toàn cầu. Những mô hình hoàn toàn mới này đã tạo ra các bước đột phá cho ngành thương mại truyền thống.
Tương tự, trong ngành tài chính ngân hàng, cách tiếp cận cũng đã có những sự thay đổi. Trước đây, khi muốn mở một dịch vụ tài chính, gửi tiết kiệm hay cho vay, các ngân hàng sẽ phải mở những chi nhánh tại địa phương hoặc thông qua các đơn vị môi giới trung gian. Nhưng ngày nay với xu hướng công nghệ mới ta có một xu hướng mới là mô hình DN phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (Direct to Customer - D2C). Để rồi, người dùng có thể mở thẻ mà không cần ra các chi nhánh ngân hàng. Hay việc thẩm định hồ sơ tài chính, trước đây mất rất nhiều thời gian với nhiều giấy tờ chứng minh, nhưng hiện nay, công nghệ chấm điểm tín dụng (Credit Score), chỉ mất vài phút là ngân hàng có thể xác minh được người dùng đó có đủ điều kiện để mở thẻ hay cho vay hay không.
Những công nghệ ĐMST này tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho khách hàng. Nhờ đó, ngân hàng cũng có thể tiếp cận tới 90% người tiêu dùng khắp cả nước, mở rộng thị trường hơn so với những phương thức truyền thống. "Những điều này là động lực để DN tập trung hơn vào ĐMST, để tiếp cận khách hàng và nâng cấp dịch vụ của mình. Qua đó, người dùng cũng được hưởng lợi", CEO ACCESSTRADE nói.
Ông Hưng cũng khẳng định, startup chính là những người góp phần tích cực vào quá trình ĐMST của các ngân hàng. Bởi vì, trước đây dù ngân hàng dù rất muốn nhưng chưa ai thử nghiệm, chứng minh cho họ. Nhưng các giải pháp Fintech đã giúp cho các ngân hàng thấy việc này là khả thi, để rồi ngân hàng là những đơn vị tích cực nhất trong việc ĐMST, mang thêm giá trị cho DN và người tiêu dùng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm