Thị trường hàng hóa
Trong báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022, OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn. Tổ chức cũng đưa ra khuyến nghị cần phải đầu tư hơn 12.000 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu hiện nay, bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nhu cầu dầu mỏ trong trung hạn (đến năm 2027) cũng được dự báo tăng thêm 2 triệu thùng/ngày. Năm ngoái, thế giới tiêu thụ 97 triệu thùng dầu một ngày.
Đến năm 2030 nhu cầu thế giới sẽ đạt trung bình 108,3 triệu thùng/ngày. Từ năm 2040, nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt đỉnh gần 110 triệu thùng mỗi ngày, tăng so với mức 108,1 triệu thùng mỗi ngày mà OPEC dự báo hồi năm ngoái.
Đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 109,8 triệu thùng/ngày từ mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2021. Các dự báo này đều cao hơn so với mức dự báo được đưa ra vào năm 2021.
Nguyên nhân khiến nhu cầu dầu tăng cao là do sự gia tăng dân số và kinh tế ở các quốc gia đang phát triển bùng nổ. Tổ chức này dự kiến dân số toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6 tỷ người từ nay đến năm 2045.
96% mức tăng nằm ở các nước đang phát triển. Do vậy, dù nhu cầu dầu của các nước giàu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2045 sẽ giảm 10,7 triệu thùng mỗi ngày, nhu cầu các nước ngoài khối lại tăng 23,6 triệu thùng.
Trong báo cáo, OPEC cho rằng tình trạng hạn chế nguồn cung sẽ kéo dài trong trung hạn, với sản lượng của OPEC trong năm 2027 sẽ thấp hơn mức của năm 2022, trong khi nguồn cung của các nước ngoài OPEC sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, OPEC vẫn lạc quan về triển vọng trong dài hạn, cho rằng dầu mỏ vẫn là nhiên liệu hàng đầu trong số những nguồn năng lượng cơ bản trên toàn cầu.
Quan điểm của OPEC trong báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022 trái ngược với quan điểm của các nhà dự báo khác và cho rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức cao trước năm 2030 do sự gia tăng của năng lượng tái tạo và ô tô điện. Dù tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu sẽ tăng lên rõ rệt, nhưng các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên vẫn sẽ thống trị trong nhiều thập kỷ.
Những nhiên liệu này sẽ chiếm khoảng 70% năng lượng toàn cầu năm 2045, giảm so với mức 80% hiện tại. Sự sụt giảm phần lớn sẽ đến từ việc giảm sử dụng than. Trong khi đó, tỷ trọng cung cấp dầu khí sẽ không thay đổi.
Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais cho biết thế giới cần đầu tư 12.000 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ từ nay đến năm 2045 bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, việc thiếu hụt đầu tư vào ngành dầu mỏ toàn cầu trong những năm gần đây đang trở thành mối quan ngại lớn do tăng trưởng của ngành suy giảm, đại dịch COVID-19, các chính sách tập trung vào chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Bà Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA), cho biết thời gian qua, nhu cầu dầu thô bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá quá cao. Người tiêu dùng đang liên tục điều chỉnh nhu cầu của họ theo giá năng lượng, thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 5/10, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ từ tháng 4/2020, thòi điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Báo cáo của OPEC cho biết, dầu dự kiến sẽ vẫn là nhiên liệu số một trong hỗn hợp năng lượng sơ cấp toàn cầu. Tính đến ngày 1/11, giá dầu Brent giao dịch quanh mức 93 USD/thùng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc nhu cầu dầu mỏ tiếp tục tăng trưởng thêm 1 thập kỷ nữa sẽ là cú hích đối với OPEC, với 13 nước thành viên đang phụ thuộc nguồn thu vào dầu mỏ. Tổ chức này khẳng định dầu mỏ vẫn là một phần của lộ trình chuyển đổi năng lượng và việc thế giới chuyển hướng sang tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội và quản trị đang khiến tình trạng thiếu hụt đầu tư trở nên trầm trọng hơn.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm