Thị trường hàng hóa
Triển lãm ‘Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm’ như một sự nhắc lại về sự nghiệp sáng tạo mỹ thuật đồ sộ của họa sĩ trải dài hơn 70 năm trong hai thế kỷ 20 và 21.
Cũng như hai cuộc triển vào năm 2015 và 2017 do Ngàn Phố Gallery tổ chức, ‘Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm’ tiếp tục tôn vinh sự nghiệp hội họa của một họa sĩ tài năng.
Đấy cũng là hoạt động truyền tải và chia sẻ những giá trị văn hóa nghệ thuật to lớn và bền vững của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tới cuộc sống văn hóa tinh thần đối với cộng đồng.
Nguyễn Tư Nghiêm - nhân vật cuối cùng của bộ tứ họa sĩ huyền thoại Việt Nam ‘Phái - Sáng - Liên – Nghiêm’ (Bùi Xuân Phái - Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên - Nguyễn Tư Nghiêm) qua đời ngày 15/6/2016.
Nguyễn Tư Nghiêm (sinh năm 1922, trong một số tư liệu có nói ông sinh năm 1918) là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở Nam Đàn (Nghệ An).
Nguyễn Tư Nghiêm học khóa 15 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941-1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông gây chú ý của giới hội họa với bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu” giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc. Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ Nghệ Hà Nội (1959 – 1960).
Nguyễn Tư Nghiêm được tặng nhiều huân chương kháng chiến, huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật cũng như nhiều giải thưởng hội họa. Tài năng và danh tiếng của ông là một trong số ít họa sĩ Việt có thể vươn tầm thế giới.
Trong suốt 70 năm sáng tạo, ông để lại khối tác phẩm đồ sộ. Tranh của ông thường bắt nguồn từ đề tài dân gian Việt Nam, nhưng đầy sức sáng tạo, phong cách hiện đại, dấu ấn riêng.
Triển lãm ‘Trăm năm Nguyễn Tư Nghiêm’ sẽ khai mạc lúc 17h - thứ tư, ngày 11/1 tại Ngàn Phố Gallery (Tulip 09-28, Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội).
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm