Thị trường hàng hóa
Nhẹ đến nỗi, nếu chẳng nhìn vào hóa đơn tiền điện, chẳng khẽ so vai khi có việc đi ra ngoài đường vào sáng sớm khi trời vẫn còn đang trong xanh thì có lẽ ít người nhận ra Hà Nội đã thật sự thu rồi.
Nói là khó nhận biết, bởi vì năm nay mùa hè Hà Nội tương đối “dịu dàng”. Cái nắng như đổ lửa của mọi năm chỉ ghé thăm ít ngày rồi lặng lẽ biến mất lúc nào không nói lời từ biệt. Nhiệt độ tương đối thấp so với cùng kì mọi năm, đến nỗi từ đầu tháng 8, cùng với ảnh hưởng của mưa bão, buổi tối đến chiếc điều hòa không còn phải chạy miệt mài cho đến sáng. Một chiếc quạt nhỏ bật số nhỏ nhất vẫn khiến chúng ta đắp chiếc chăn mỏng cả đêm.
Như thế, nhìn vào hóa đơn tiền điện chúng ta không phải giật mình thảng thốt. Như thế, thời tiết dễ chịu đến mức lòng người cũng cảm giác dịu dàng, nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
"Mùa thu, cốm đầu mùa dịu ngọt. Trên cao, hoa sữa hương ngạt ngào. Hồ Tây chiều hôm nay, nỗi nhớ ai những tháng ngày xưa ấy. Mưa Ngâu rơi, rơi trên mặt hồ. Gió heo may tím ngát mong chờ"... Giọng hát ngọt ngào của cố nghệ sĩ Ngọc Tân vẫn vang lên đâu đây khi những người ngóng mùa đang chờ hoa sữa nở bung trên mọi nẻo đường Hà Nội.
Hà Nội đã vào thu, tuy cây cơm nguội chưa vàng, cây bàng lá vẫn còn xanh, nhưng cùng với mùa lúa chiêm, mùa cốm cũng đã về với mùa hồng trên khắp phố phường.
Cái nắng thu năm nay có lẽ cũng bớt gay gắt, hanh hao như mọi năm. Nếu ai có ý định bay nửa vòng trái đất trở về với Hà Nội để cảm nhận những làn gió heo may, của chuối trứng cuốc vàng ươm và cốm làng Vòng thơm thảo… thì chẳng có gì hơp lý hơn vào lúc này.
Cốm Vòng tôi đã thấy lác đác trên phố, thậm chí lúc nãy, vừa ngồi xuống chiếc ghế Bờ Hồ, một bà chạc tuổi 50 cũng nhẹ nhõm bê chiếc thúng ngạt ngào hương cốm và lá sen để mời chào. Chuối trứng cuốc tôi cũng đã thấy bán nhiều. Gió heo may thì cứ sáng sớm hay đến khuya đêm, đi dạo trên những con phố thưa vắng bóng người, trên mạn Hồ Tây chỗ phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quanh hồ Gươm sẽ thấy ngập tràn cái không khí se lạnh mà nhiều người đi xa thấy thèm, thấy nhớ.
Cái se sẽ lạnh của mùa thu năm nay sẽ khiến nhiều người nhớ đến mùa thu cách đây một năm, khi chúng ta còn chỉ có thể ngồi trong nhà ngắm bầu trời xanh qua ngoài cửa sổ, khao khát một cuộc sống bình thường mới như trước kia. Thì đây, mùa thu này, chúng ta đã có thể thoải mái ùa vào bầu không gian đẹp xao xuyến nhất trong năm của Hà Nội rồi.
Cho dù những ca mắc vẫn còn trong cộng đồng, người dân vẫn phải chú ý cẩn thận, tiêm phòng đầy đủ nhưng thực sự chúng ta đã được về với nhịp sống bình thường để thấy yêu hơn những khoảnh khắc rất giản dị hàng ngày.
“Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉ hè thơm bước chân qua”… Nhắc đến mùa thu Hà Nội ta lại nhớ đến mùa cốm, một thứ đặc sản hết sức thanh tao mà lại bình dị của mảnh đất này. Bây giờ, cốm đã được bán khắp các chợ, các nẻo đường của Hà Nội nhưng cứ nói đến cốm là người ta phải nghĩ ngay đến cốm Vòng.
Cốm Vòng là đặc sản Hà Nội, lâu nay ai cũng biết nhưng để được thưởng thức cốm làng Vòng một lần thì không phải người Hà Nội nào cũng chắc chắn là mình đã được nếm qua. Cứ đến mùa, cốm theo chân những gánh hàng rong tung tẩy khắp phố phường, hỏi mua ai cũng bảo đó là cốm làng Vòng chính hiệu. Còn có phải thật hay không thì có lẽ chỉ người sành ăn và người làng Vòng mới được tường tận.
Nhiều người không biết chính xác nghề cốm làng Vòng (thôn Hậu, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ ở làng Vòng kể lại: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò mẫm đi cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần chống đói. Không ngờ món ăn bất đắc dĩ ấy lại có hương vị đặc biệt, rất hấp dẫn. Qua nhiều lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm, hạt cốm ngày càng xanh, mỏng, dẻo và thơm… Cốm trở thành đặc sản quý tiến vua nhà Lý (1009 - 1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.
Cốm làng Vòng thơm ngon đặc trưng vì chỉ trồng loại nếp hoa vàng trên diện rộng để không bị lai tạp với các loại nếp khác. Làm cốm cũng đầy công phu, nghệ thuật. Tuy vậy, không phải mỗi mẻ cốm ra lò đều ngon tương đương nhau. Người làng Vòng chúng tớ chia ra các loại: cốm lá me nhỏ và nhẹ như lá me, thường bay ra qua những lần sàng sẩy. Loại cốm này ít và hiếm, thường chỉ để cho gia chủ thưởng thức.
Cốm rót thơm ngon thứ nhì, chỉ chiếm 2/10 mỗi mẻ cốm. Đây là những hạt nếp non sau khi giã sẽ tự vón vào với nhau như hạt ngô, hạt đỗ, đặc biệt đến cuối mùa lại càng hiếm. Loại cốm còn lại trong cối giã là loại cốm đầu nia loại 1, loại 2 được đem bán. Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa nên hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau.
Xuất phát từ “sự tích” như vậy, bây giờ cốm đã trở thành thứ mĩ vị của Hà Nội. Từng cánh cốm nhỏ bé càng nâng lên cái sự thưởng thức, tao nhã của người Hà Nội, càng làm cho mùa thu trở thành một nét xao xuyến rất nhẹ mà bâng khuâng, khó quên. Cầm gói cốm trên tay, hít một hơi dài như để cảm nhận hết mùa thu Thăng Long ngàn năm vào lồng ngừng nhỏ. Màu xanh non của cốm được bọc trong màu xanh đậm của lá sen, ngoài buộc sợi rơm vàng nổi bật trên đôi bàn tay trắng trẻo xinh xinh của cô gái nào đó, ta sẽ hiểu thế nào là “mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ”.
Cốm vào thu cũng là lúc đất trời như kết tinh cả lại trong cái nắng qua đỉnh điểm của một vòng quay của mùa. Nắng thu nhẹ hơn, dịu hơn làm những thứ quả chín ngọt ngào hơn. Đó cũng là lúc thứ chuối tiêu vắng bóng cả mùa hè nay lên ngôi trở lại. Mùa hè không ai ăn chuối tiêu vì sẽ không ngon nhưng vào thu, chuối trứng cuốc ăn cùng với cốm thực sự là một thứ “thời trân”.
Nói thế là bởi, chuối với cốm ăn không phải lấy no, mà là lấy ngon, lấy cảm xúc. Vị ngon đã đành, cách ăn cũng nhẹ nhàng, bẻ nửa quả chuối chấm vào với cốm, từ từ thưởng thức. Trong khi đó, ta đã thu về một bức tranh của màu sắc vào mắt với mùi hương thoảng nhẹ như khảm vào kí ức ta một chút dịu nhẹ đến mơ màng…
Thế là, môt mùa thu Hà Nội nữa lại về, để ta thấy yêu thương hơn từng ngày đến trong đời.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm