Thị trường hàng hóa
Lựa chọn bút pháp hiện thực, song hành với thủ pháp nhân bản của nghệ thuật Pop-Art, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Minh thể hiện trực diện vấn đề xã hội gắn với giáo dục khi ở đâu đó - học sinh vẫn chỉ coi mỹ thuật là môn phụ “học cho có”.
Sinh năm 1982 tại Hưng Yên, nhưng Nguyễn Trọng Minh theo cha mẹ định cư ở Lào Cai. Năm 2004, anh tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật. Sau đó, anh trở thành giáo viên Truờng THCS Kim Tân (Lào Cai).
Chỉ tính từ năm 2003 đến nay, Nguyễn Trọng Minh đã có hàng chục triển lãm nhóm và cá nhân gây tiếng vang. Tới đây, vào ngày 18/11 anh sẽ có triển lãm “Cờ người” tại không gian nghệ thuật Craig Thomas Gallery (TPHCM).
Từng là giáo viên dạy mỹ thuật, Nguyễn Trọng Minh hiểu rõ vai trò của môn học này. Anh rất buồn khi đa số học sinh vẫn coi mỹ thuật chỉ là môn phụ “học cho có”. Bởi vậy, anh muốn nhấn mạnh vị thế của môn học cũng như lan toả tinh thần nghệ thuật đến với học sinh thông qua các tác phẩm Pop-Art.
Từ năm 2014, họa sĩ Nguyễn Trọng Minh đã chọn 21 tác phẩm tranh cá nhân đầu tiên mang chủ đề “Ở cuối hàng” để ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm của anh thể hiện một cách trực diện những vấn đề xã hội, thái độ phản biện gắn với lĩnh vực giáo dục về đề tài môn chính – môn phụ.
Anh lựa chọn bút pháp hiện thực, song hành với thủ pháp nhân bản của nghệ thuật Pop-Art, bối cảnh tác phẩm luôn được đặt trong một không gian vô định mang tính tượng trưng, ít nhiều có khái cảm siêu thực.
Sự đối xứng hình học và nhịp điệu trong tranh Nguyễn Trọng Minh là một trong những điều đầu tiên thu hút người xem. Học sinh ăn mặc giống nhau, thường ngồi hoặc đứng với vẻ trầm ngâm, nói lên sự áp đặt thành công, sự đồng nhất về mục đích, tư duy.
Bảng màu của anh được thể hiện bằng các sắc thái khá trầm lắng - xanh da trời, xám, đen và tím, thỉnh thoảng là các vệt chéo màu đỏ, hoặc có chỉ hai màu chủ đạo đen - trắng. Đó là những gam màu mà giới nghệ thuật thường hay sử dụng khi nói tới sự đối lập và những điều còn ưu tư. Đặc biệt với những bức tranh hai màu công chúng được thấy lại một quãng ký ức của chính mình và bạn bè thời học sinh.
Vậy ra những vui đùa, những kỉ niệm của tuổi học trò không chỉ phân lập đúng hay sai trong mục đích học tập. Như bức tranh “Ngày khai trường”, họa sĩ chia sẻ rằng trong mỗi chúng ta ai cũng từng có những hồi ức của ngày đầu tiên cắp sách tới trường. Ngày khai trường đã ăn sâu vào tiềm thức các bậc phụ huynh và học sinh, và bắt đầu một hành trình mới.
Trong bộ sưu tập “Cờ người” sẽ được trưng bày tới đây, họa sĩ Nguyễn Trọng Minh dường như đang mở ra phong cách ít khắc khổ hơn, hướng đến sự tươi mới. Anh cho biết: “Tiêu đề bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ mảng tranh chạm khắc gỗ đình làng Việt Nam, khu vực sông Hồng của miền Bắc đất nước.
“Với những trải nghiệm của đời sống, trong việc ứng xử giữa người với người, những vấn đề về bản sắc cá nhân và văn hóa, gia đình, cộng đồng, quốc tịch và việc ứng xử giữa các quốc gia trên thế giới đã thôi thúc tôi làm triển lãm “Cờ người”. Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Minh. |
Tranh miêu tả đời sống sinh hoạt của người dân như đánh cờ, đấu vật, chọi trâu, bắn hổ, uống rượu, hát nhà quan. Trong đó bộ môn đánh cờ sử dụng người làm quân cờ nên người ta hay gọi là chơi cờ người”.
Những hoạt động truyền thống này được tái hiện một cách hài hước, giàu cảm xúc trong nhiều tranh của bộ sưu tập “Cờ người”.
Các bức tranh cho thấy họa sĩ tiếp tục lặp lại ý tưởng và chủ đề cốt lõi, đồng thời phát triển rộng hơn, giải quyết các vấn đề lớn hơn đặt ra bởi việc mở cửa và phát triển nhanh chóng của xã hội. Đặc biệt, tác phẩm có xu hướng làm nổi bật mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại du nhập từ nước ngoài.
Nhiều bức tranh trong bộ sưu tập mới tỏa ra ánh sáng nhẹ nhàng của sự gợi cảm. Thậm chí là sự vui tươi có xen chút dục cảm, hướng đến một Việt Nam hiện đại, đối nghịch với xu hướng nghiêm khắc từng rất phổ biến trong vài thập niên trước.
Một số tác phẩm như “Cờ thế II” lại cho thấy sự nhạy cảm của họa sĩ đối với vị trí chính trị - xã hội độc đáo của Việt Nam. Lịch sử độc đáo của đất nước xác định trước Việt Nam phải đóng vai của mình trên bàn cờ quốc tế, xa xưa hay gần đây.
Cũng với chủ đề về đất nước, Nguyễn Trọng Minh từng cùng 2 họa sĩ trẻ Nguyễn Trọng Tài và Ngụy Đình Hà mở chung triển lãm mang tên “Khát vọng”. Triển lãm này đã khiến họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Với những khát vọng sáng tạo nghệ thuật khác biệt, các họa sĩ trẻ cho ta sự an nhiên trước mọi cửa vào, lối ra nơi bức họa”.
Nguyễn Trọng Minh lấy cảm hứng từ những động tác múa dân gian để xây dựng lên tác phẩm của mình với ngụ ý thành công đâm chồi từ mảnh đất của rèn luyện.
Ngụy Đình Hà thì lại là khát vọng tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và sự gắn kết không thể tách rời. Còn Nguyễn Trọng Tài thì lại hướng nét cọ của mình một vấn đề nổi cộm - sự biến đổi của khí hậu và những vấn đề về thiên tai đang xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà khắp toàn cầu.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm