Thị trường hàng hóa
Triển lãm “Những sinh thể phù du” của Lương Lưu Biên đang diễn ra tại Craig Thomas Gallery (TPHCM). Mặc dù đến ngày 26/10 mới kết thúc, nhưng giới nghệ thuật cũng như giới sưu tầm và công chúng yêu hội họa đã kéo đến chật kín không gian - để ngắm những khắc họa cực hạn.
Thoạt đầu, tranh của Lương Lưu Biên khiến người xem nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Huy Cận trong bài “Các vị La Hán chùa Tây Phương”. Gương mặt đau thương, khổ sâu vòm mắt, hay môi chua chát, tâm hồn héo… mà nhà thơ miêu tả, như được họa sĩ dựng lại.
Thế nhưng đó là hai nỗi cô đơn từ hai thế giới khác nhau. Nếu như sự đau thương của các vị La Hán là nỗi đau của thế nhân luân hồi, thì nỗi đau mà họa sĩ Lương Lưu Biên miêu tả lại là những đau đớn cô đơn của chính những con người trần tục.
Từ những không gian trầm mặc riêng tư, từ những cơ thể độc lập gào thét trong cô đơn, họa sĩ tiến tới những bố cục đông người hơn, có tính bầy đàn cộng đồng. Thế nhưng, nỗi cô đơn vẫn không thể xóa nhòa - mà ngược lại, càng tăng thêm những dằn vặt.
Trong xã hội hiện đại, con người cô đơn trong chính căn nhà của mình, giữa gia đình mình, giữa tập thể và giữa cả xã hội. Nỗi cô đơn không bao giờ mất đi, nó tồn tại như không khí tự nhiên và tràn lấp mỗi người - trong cả hơi thở lẫn nụ cười.
Dù xếp cạnh nhau giữa một tập thể, nhưng mỗi người vẫn là một thế giới riêng biệt. Họ cào cấu, gào thét, quằn quại hay ngay cả khi ca múa thì nỗi cô đơn và những vằn vện vết thương vẫn không bao giờ mất đi.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng: “Nếu chỉ xem riêng triển lãm này, có thể chúng ta ngạc nhiên và thán phục, vì những hấp lực mà họa sĩ mang đến cho người xem. Nhưng nếu đặt trong cả hành trình của Lương Lưu Biên, thì có thể thấy anh đã chạm đến giới hạn của mình. Giới hạn ở đây là một cách vẽ đã ổn định, mới mẻ và đã thăng hoa”.
Theo ông Lý Đợi, nếu họa sĩ giữ cách vẽ này để đi tiếp trong 10 - 20 năm nữa, cũng không sao, vì dần dà người chơi tranh sẽ càng quen thuộc hơn và dễ chấp nhận hơn, rồi thêm ưa thích lối vẽ lột tả hình thể. Lương Lưu Biên xuất hiện khoảng năm 2005 đã khá cô đơn, vì ít được chấp nhận, cả ở khía cạnh bạn nghề và giới chơi tranh.
“Nhưng từ triển lãm “Hóa thạch” (2009), Lương Lưu Biên đã mở ra một cánh cửa cũng như dấu mốc cho hành trình vẽ lột tả hình thể. Những hình nhân trần trụi với hoàn cảnh hiện sinh, với băn khoăn làm người - đến nay là đối diện, chấp nhận với trạng thái phù du, đã tạo nên cõi riêng và vị trí của Lương Lưu Biên trong mỹ thuật đương đại”, ông Lý Đợi cho hay.
Đến nay, Lương Lưu Biên đã có đến 7 triển lãm cá nhân, gần 20 triển lãm nhóm và nhận về nhiều giải thưởng mỹ thuật danh giá. Thế nhưng với họa sĩ, vẽ đơn giản là một phương cách sống trong hiện tại.
Anh coi những u ám trong tâm trí con người, hay trầm cảm là căn bệnh của thời đại - khi người ta quan tâm vật chất hơn là thế giới nội tâm. Anh cũng tin rằng, nghệ thuật có thể giúp con người chữa lành những vết thương tâm hồn cũng như căn bệnh trầm cảm.
Năm 2020, triển lãm “Bầy cô đơn” của Lương Lưu Biên đã chỉ ra rằng, con người suy cho cùng chỉ là những sinh vật thông minh nhất trong các loài - và bắt đầu xa rời tự nhiên trong kiêu ngạo và hoang mang.
Những vận động, tranh chấp để đạt được những mục đích sống thực dụng nào đó, hay những lạc lối, hoang mang trên con đường tìm kiếm niềm tin. Ở hình dáng cơ thể diễn đạt nhiều cảm xúc, những chuyển động cơ thịt vặn xoắn đầy sinh lực hoặc buông chùng, cô đặc đã khiến các hình thể "mỗi người một vẻ" thêm cô đơn. Một cách nào đó, con người vẫn chưa thoát khỏi cái hang động tăm tối của mình để thấy được ánh sáng mặt trời.
Trong triển lãm lần này, họa sĩ nghiệm ra con người chỉ là những sinh vật phù du. Anh lấy cực đoan khô khan của hình hài để phô diễn sự yếu đuối nội tâm, lấy tính bầy đàn để lột tả sự cô đơn, lấy tối giản của màu sắc để lột tả sự phức tạp và rối rắm trong tâm hồn. Triển lãm như một cuộc trình diễn về những xung đột, mâu thuẫn để phản tỉnh con người.
Không chỉ khắc họa cực hạn thân phận con người bằng đường nét và màu sắc, Lương Lưu Biên còn thực hiện cách đắp nổi tạo chất ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc... bằng những nhát bay vẽ dày sơn. Tất cả những công phu ấy làm cho phận người dù mỏng manh, dễ hư nát nhưng nỗi cô đơn lại thêm chồng chất.
Không có một tuyên ngôn nghệ thuật nào được nói lên, nhưng chính phận người trong tranh Lương Lưu Biên đã nói lên tất cả. Mỗi người cần phải thoát khỏi mớ bòng bong của cuộc sống để hướng tới ánh sáng, như những sinh thể phù du hướng tới mặt trời.
Xét về phương diện sáng tạo, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho rằng: “Những sinh thể phù du” không chỉ có những bức tranh đã ổn định phong cách, mà còn vài bức đang chuyển đổi. Và có lẽ chính Lương Lưu Biên cũng đang quyết tâm tìm kiếm sự chuyển đổi, nhất là ngày càng có thêm nhiều nhà sưu tập ưa thích tranh anh”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm