Thị trường hàng hóa
Thành lập cuối năm 2021, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP Huế) tiền thân là không gian trưng bày gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá dày công gần 40 năm sưu tầm, cất giữ và có cả những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan.
Bảo tàng là nơi lưu giữ bộ sưu tập gốm cổ đủ các chất liệu, như: Sành, đất nung, bán sứ và sứ thuộc các giai đoạn lịch sử. Những chiếc bình, vò, ấm, chum, hũ, nắp, bình vôi, bùng binh, đĩa, bát, nồi, ché, cốc… được bảo quản rất tốt, phần lớn đều còn khá nguyên vẹn.
Đây là bảo tàng duy nhất trên cả nước trưng bày gốm được tìm thấy từ các dòng sông trong không gian địa lý hẹp (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Với diện tích khoảng 700m2, Bảo tàng chứa đựng gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích, Mỹ Xuyên.
Theo GS.TS. Thái Kim Lan, tiêu chí chọn hiện vật trưng bày phải đại diện tiêu biểu cho những lát cắt lịch sử ở mảnh đất này. Hàng nghìn hiện vật gốm sứ đã tạo nên hình hài, phản chiếu được lịch sử của sông Hương. Những hiện vật ấy sẽ tự thân kể câu chuyện về nó, giúp chúng ta hiểu hơn giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Cố đô.
Các hiện vật tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương trưng bày theo các chủ đề: “Đi tìm thời gian đã mất”, “Sông Hương kể chuyện” và “Gốm cổ trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người xưa”.
Đặc biệt, khác với các bảo tàng khác, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương khuyến khích khách tham quan cầm nắm hiện vật để cảm nhận được sự xù xì, trầm tích thời gian của chúng.
Ông Nguyễn Văn Phúc Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, sự ra đời của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị của di sản văn hóa Huế, đồng thời hình thành một điểm đến văn hóa, tham quan lý thú, hấp dẫn ngay bên tả ngạn sông Hương.
Hiện nay, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương hiện là điểm đến văn hóa thu hút công chúng tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử vùng đất Cố đô. Tại đây cũng tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm, tái hiện lại cuộc sống của cư dân thời cổ, nghề làm gốm cổ truyền...
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm