Thị trường hàng hóa
Có thể nói, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ phát triển đáng để ngưỡng mộ khi vươn lên vị trí thứ3 trong top 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2017 (theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO). Năm trước đó, UNWTO đã xếp Việt Nam nằm ở vị trí thứ 6 trong số 10 nước tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất toàn cầu, dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thương hiệu và hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng có vị thế trên thế giới. Ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm, đầu tư của toàn xã hội, đóng góp cho GDP ngày càng lớn. Có những lúc, du lịch bùng nổ, người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch.
Năm 2021, Tổng cục Du lịch được WTA bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Năm 2022, Tổng cục Du lịch tiếp tục được đề cử vào hạng mục này. Ông Graham Cooke, Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới) cho rằng: “Nỗ lực của Tổng cục Du lịch trong việc quảng bá Việt Nam ra toàn cầu khi mở cửa biên giới cũng đáng khâm phục. Tôi hoan nghênh những cố gắng không mệt mỏi của Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch Covid-19, họ đã tiến hành quảng bá du lịch khắp thế giới. Đặc biệt, khi SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam, ngành Du lịch đã tận dụng cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện và hấp dẫn đến các đoàn thể thao và du khách quốc tế”.
“World Travel Awards (WTA) được bình chọn bởi các nhà điều hành du lịch, giới truyền thông và công chúng. Số lượng giải thưởng mà Việt Nam đạt được trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi trên thế giới”, ông Graham Cooke nói.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến xa hơn, trở thành một cường quốc về du lịch. Trên đà phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thu hút 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á… Đây chính là cú hích, là tiền đề vững chắc cho bước tiến ngày một cao hơn của du lịch Việt Nam.
So sánh với các nước trong khu vực, có thể thấy dư địa phát triển của Việt Nam còn rất nhiều, chúng ta hoàn toàn có cơ hội và khả năng biến khát vọng cường quốc du lịch trở thành hiện thực. Thái Lan có hơn 50 triệu dân nhưng năm 2019 họ đã đón tới 35,4 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi Việt Nam có 100 triệu dân nhưng số lượng khách du lịch quốc tế chưa bằng một nửa Thái Lan.
Tuy nhiên, muốn đuổi kịp Thái Lan, vượt qua Malaysia và Singapore, Việt Nam cần có những giải pháp đột phá cho ngành kinh tế du lịch cất cánh, đóng góp trên 10% GDP cho đất nước, tạo hàng triệu công ăn việc làm.
Trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết 08, có nhiệm vụ tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó có việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng cục Du lịch. Thành lập Sở du lịch tại các địa phương có điều kiện phát triển theo nguyên tắc không tăng thêm biên chế. Nghiên cứu xác định mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Có thể thấy, sau nhiều lần tách ra, nhập vào, nhiều lần thay đổi mô hình tổ chức, không ổn định của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hệ thống tổ chức, quản lý ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam phát triển du lịch phần nhiều tự phát, dựa vào tự nhiên, sẵn có chứ ít những sản phẩm sáng tạo, chưa có chiến lược, quy hoạch rõ ràng, cơ sở hạ tầng du lịch nghèo nàn, chính sách phát triển du lịch chưa hấp dẫn, quảng bá xúc tiến du lịch còn yếu và kém sức cạnh tranh trong môi trường khốc liệt hiện nay.
Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh trong phát triển du lịch với các nước trong khu vực cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi đi lại với khách quốc tế; mở rộng diện miễn visa đơn phương với các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng, nâng số ngày miễn lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay; mở đường bay thẳng tới các thị trường tiềm năng… Quan trọng là có cách làm mới, tư duy mới, bài bản hơn, quy mô hiện đại hơn. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch cần phải có sự tham gia của các ngành. Đầu tư hạ tầng đồng bộ, thông minh, công nghệ cao. Đầu tư hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch như xây dựng mạng lưới đường cao tốc trục Bắc - Nam sớm nhất song hành cùng mạng lưới hàng không hiện đại. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, hình thành các tổ hợp vui chơi giải trí lớn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác sản phẩm du lịch sáng tạo. Nhân lực phải đáp ứng nhu cầu phát triển. Chính sách có sự liên thông liên kết giữa các ngành, các địa phương. Tham gia kết nối du lịch toàn cầu, chuỗi du lịch Đông Nam Á.
Việc phát triển du lịch của nước ta hiện nay chưa bền vững, phụ thuộc vào thị trường gửi khách quá nhiều. Ví dụ như có sự biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh ở Trung Quốc, Nga… là lập tức việc đón khách quốc tế của toàn ngành rất lao đao. Bên cạnh đó, nguồn thu chưa quay lại tái đầu tư điểm đến, bảo vệ môi trường dẫn đến suy thoái điểm đến, không đảm bảo chia sẻ lợi ích với cộng đồng, bảo vệ môi trường văn hóa. Vì thế, cần quan tâm nhiều hơn tới thị trường nội địa và thị trường outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài), tức là tập trung hơn vào du lịch chủ động thay vì du lịch bị động hiện nay.
Vẫn còn tình trạng khách tăng là tắc nghẽn, các ngành chưa có sự tập trung quy hoạch và đầu tư để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cả đất nước không có cảng biển nào chuyên nghiệp, không có trung tâm triển lãm nào tầm quốc tế.
Việc liên kết vùng, ký kết triển khai nhiều nhưng hiệu quả không như mong muốn và chưa có nhiều sản phẩm thực tế. Cũng không có cơ quan, bộ phận quản lý liên kết vùng nên những khó khăn, hạn chế về nguồn lực, cơ chế, sự đồng lòng mà không có cơ chế nào điều tiết được. Câu chuyện giải cứu khách giữa 5 ngành: Giao thông, Ngoại giao, Y tế, Công an và VHTTDL mùa Covid-19 vừa qua tiếp tục đặt ra vấn đề liên kết, liên ngành ở Trung ương và địa phương. Tóm lại, rất nhiều bài toán muôn thuở chưa có lời giải đáp thoả đáng đòi hỏi việc cần đổi mới cơ chế, thể chế, bộ máy tổ chức, con người, tư duy hoạt động...
Sự không ổn định về tổ chức bộ máy khiến quản lý không liền mạch, bị đứt gãy; không làm cho dòng chảy cá nhân, quan hệ giữa ngành Du lịch với các ngành khác được củng cố. Ngành Du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp nhưng lâu nay rất đơn độc, đã yếu lại yếu hơn, nhân lực của ngành cũng ngày càng rơi rớt khi thay đổi bộ máy hoặc khi gặp khó khăn chung.
Có nhiều mục tiêu ngành Du lịch đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thiết nghĩ, muốn phát triển mạnh mẽ hơn, ngành phải có đủ tầm, quy mô đủ lớn. Nếu không, giấc mơ cường quốc về du lịch sẽ mãi chỉ là giấc mơ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm
Business Networking
Mạng lưới kết nối của Trí Tuệ Mới