Thị trường hàng hóa
Làm thế nào để xây dựng lớp người trẻ có thẩm mỹ nghệ thuật và cộng đồng nghe nhạc hàn lâm là bài toán chưa bao giờ dễ.
Trong một tọa đàm về âm nhạc diễn ra gần đây tại TP.HCM, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ những trăn trở của ông với đời sống âm nhạc cổ điển tại TP.HCM: “Âm nhạc giao hưởng - âm nhạc hàn lâm gắn liền với nền tảng văn hóa dân tộc, chứ không chỉ để giải trí. Chúng ta đừng nghĩ dàn nhạc cổ điển là cái gì đó xa vời mà nó đã và đang mang tri thức cộng đồng đô thị Việt Nam”. Cũng theo nhạc sĩ, âm nhạc có 2 loại, một loại là âm nhạc nghệ thuật hay còn gọi là âm nhạc hàn lâm (art music) và loại còn lại là âm nhạc đại chúng, giải trí (pop music). “Âm nhạc giải trí rất quan trọng và tại Việt Nam, hiện loại hình này đang phát triển mạnh mẽ. Cứ nghe karaoke là biết chúng “khủng khiếp” thế nào. Có hàng ngàn bài hát xuất hiện mà tôi không biết chúng ở đâu ra”, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết và theo ông, trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc thị trường, các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn nên tập trung nhiều hơn đến việc phát triển âm nhạc hàn lâm, cổ điển.
Với câu hỏi liệu không được học, không hiểu âm nhạc hàn lâm thì có thưởng thức được không, NSƯT, nhạc trưởng Hoàng Điệp chia sẻ rằng: “Có thể chưa cần hiểu thấu đáo thì người nghe vẫn có thể cảm được, cảm nhạc mới quan trọng”. Cùng quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Long, Quyền Giám đốc Nhạc viện TP.HCM bổ sung: “Nếu chưa biết, chưa hiểu thì ta cứ cảm nhận như cách cảm một món ăn ngon. Chứ nếu nói phải học để hiểu nhạc hàn lâm rồi mới nghe được thì phản tác dụng, người nghe sẽ không dám tiếp cận”.
Thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn tiếp cận giới trẻ, nhạc trưởng Trần Nhật Minh khẳng định, nhạc hàn lâm dành cho tất cả mọi người chứ không riêng những người am hiểu. Ví như buổi diễn vở thanh xướng kịch Carmina Burana (Vòng quay may mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff mới đây, trên sân khấu là gần 200 nghệ sĩ và khán giả kín chỗ với khoảng 500 người. “Vở có trên 20 bài hát bằng tiếng Latin. Là người dàn dựng, hiểu trọn vẹn nội dung, lẽ ra tôi nên giải thích cho khán giả. Nhưng tôi nghĩ điều đó không còn quan trọng, bởi hơn hết chính là năng lượng mang lại, sự đồng cảm, sức hấp dẫn của tác phẩm đã ra đời hơn 80 năm trước bởi một người xa lạ mà đến nay chúng ta vẫn rung cảm được”, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ.
Còn theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: “Không nói chi xa đến âm nhạc giao hưởng mà ngay cả âm nhạc dân tộc dễ hiểu, dễ cảm, từ cái gốc của chúng ta mà ra nhưng cũng chưa chắc có người chịu nghe, nếu chúng ta làm không hay, đầu tư không tốt. Do vậy, sở dĩ đến hôm nay chúng ta bàn với nhau câu chuyện này là bởi thời gian qua chúng ta chưa tạo ra môi trường cho nhạc giao hưởng sống, chúng ta chưa xây dựng cộng đồng người nghe, trẻ con không được trải nghiệm từ bé... Tôi cho rằng, do chúng ta cần tạo được môi trường âm nhạc cho công chúng, xây dựng cộng đồng người nghe bằng cách cho các em nhỏ trải nghiệm, biến giờ học nhạc thành học thưởng thức âm nhạc…”.
Ở góc nhìn khác, nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam chia sẻ: “Vì sao một bộ phim Hollywood chiếu rạp thì khán giả Việt Nam rất hào hứng để xem? Bởi chúng ta có rạp chiếu đạt chuẩn để thưởng thức trọn vẹn sự hoành tráng của công nghệ điện ảnh. Âm nhạc giao hưởng - một bộ môn nghệ thuật vốn đã có sẵn giá trị cũng vậy, nếu chúng ta có nơi để thưởng thức - một phòng hòa nhạc đủ tiêu chuẩn, đủ để khán giả đến cảm nhận, sau đó được hòa vào không gian với những hiệu ứng âm thanh tự nhiên từ các nhạc cụ cộng hưởng, tôi nghĩ khán giả sẽ đến và yêu thích dần nghệ thuật này”…
Trong Hội thảo quốc gia Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa diễn ra tại Bắc Ninh cách đây ít ngày, nhạc sĩ Quốc Trung nêu thực trạng: Hầu hết các dự án âm nhạc chất lượng đều phụ thuộc tài trợ. Dàn nhạc giao hưởng quốc gia nhờ tài trợ nên có thể diễn đều, khán phòng kín khán giả, nhưng tỷ lệ phổ cập chưa cao. Đời sống của nhạc công còn khó khăn nên họ phải làm nhiều việc khác, khó có thể tập trung hoàn toàn cho chuyên môn của dàn nhạc…
Trở lại câu chuyện xây dựng cộng đồng và đầu tư tầng lớp khán thính giả của âm nhạc hàn lâm, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định: “Một giải pháp mà tôi cho rằng rất quan trọng trong thời gian tới là Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM cần phải phối hợp với một số cơ sở giáo dục, và một trong những đơn vị có vai trò quan trọng cung cấp nhân lực cho Nhà hát là Nhạc viện TP.HCM, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc nâng cao nguồn nhân lực đội ngũ sáng tác, biểu diễn, kể cả quảng bá. Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu quốc tế cần được xúc tiến mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, Sở VHTT TP.HCM sẽ phối hợp với Nhà hát và các cơ quan, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo TP đầu tư mạnh mẽ hơn, dành cơ sở vật chất, trang thiết bị, khoa học công nghệ… để phát triển Nhà hát”.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm