Thị trường hàng hóa
Các nước khu vực Đông - Trung Âu, Trung Đông là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính và thương mại, trong đó tiềm năng và dư địa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và khu vực còn rất lớn. Trong khi đó, Đông Âu từ lâu đã là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thương mại song phương của Việt Nam với khối Đông Âu tăng trưởng trung bình khoảng 30%, năm 2018 đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt vào khoảng gần 4 tỷ USD. Kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid -19 từ năm 2020 đến nay có tác động mạnh tới hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và khu vực, hợp tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực vẫn tăng gần 1,4 lần.
Bên cạnh đó, khu vực Trung Đông bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 350 triệu người, GDP theo sức mua đạt khoảng hơn 6.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia trong khu vực có tiềm năng to lớn về tài chính và nguồn vốn, sở hữu nhiều Quỹ đầu tư công lớn hàng đầu thế giới với tổng số vốn trên 2.000 tỷ USD, trong đó đáng chú ý là các Quỹ đầu tư của Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Oman...
Trong những năm gần đây, các hoạt động đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập tiếp tục được đẩy mạnh phần nào cho thấy các chiến lược đầu tư ra nước ngoài rất thức thời và linh hoạt của các quốc gia trong khu vực này. Trong chiến lược đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, nhiều quốc gia Trung Đông tích cực triển khai chính sách hướng Đông, tăng cường hợp tác với các thị trường châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á trong hầu hết các lĩnh vực.
Tuy vậy, thực tế quan hệ Việt Nam và các nền kinh tế hàng đầu tại các khu vực trên nhiều năm vẫn đang phát triển ở mức khiêm tốn với những hoạt động kinh tế - thương mại đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, Việt Nam đang thúc đẩy thành lập các diễn đàn, cơ chế hợp tác; cơ chế hỗ trợ về mặt chính sách, khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp, trường đại học, tổ chức tư nhân của Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động khảo sát thị trường xúc tiến đầu tư, thương mại…
Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nước nhà kết nối, tìm hiểu thị trường, thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh doanh, Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI và Tổ chức Giáo dục Đào tạo Doanh nhân Chất lượng cao PBS sẽ phối hợp cùng các đối tác xây dựng chương trình: “Tham quan làm việc khảo sát thị trường 04 nước khu vực Đông Âu – Trung Âu – Trung Đông: Vienna – Praha - Ba Lan – Israel”. Chương trình dự kiến diễn ra vào thời gian từ 18/11 - 28/11/2022.
Được định vị là những đơn vị đào tạo doanh nhân hàng đầu Việt Nam với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, PTI và PBS thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập: thiếu thông tin, những rào cản về logistics và phương thức thanh toán quốc tế. Do đó, chương trình được xây dựng tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thị trường cũng như nâng cao hiểu biết về kinh tế - chính trị - văn hoá – xã hội của các quốc gia Đông Âu – Trung Âu – Trung Đông.
Dự kiến đoàn sẽ được thăm và làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Cộng Hòa Áo, tìm hiểu về việc ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất và điều hành, tìm hiểu mô hình sản xuất thông minh kết hợp sản xuất truyền thống với điều hành qua không gian mạng. Đoàn cũng sẽ thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tìm hiểu về cộng đồng người Việt đang kinh doanh và sinh sống tại Ba Lan.
Chương trình cũng tổ chức thăm trường Đại học Kinh tế thủ đô Warsaw, ngôi trường được xếp trong danh sách 200 trường đại học tốt nhất thế giới; thăm và làm việc với Đại sứ Lý Đức Trung – Đại sứ Việt Nam tại Israel; thăm và làm việc với các tập đoàn lớn về công nghệ như Trung tâm đổi mới sáng tạo Kinneret, Thành phố vệ tinh Asdod và Công ty Truyền thông hàng đầu Whatfor.TV…
Ngoài ra, các thành viên trong đoàn cũng sẽ được khám phá, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử các quốc gia qua các điểm đến tiêu biểu như: Ngôi làng cổ Hallstatt (CH Áo), Cung điện Lazienki (Ba Lan), Cung điện Mùa Hè (Israel)… Đồng hành cùng chương trình là những chuyên gia cố vấn doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI; Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương – Cố vấn trưởng Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI/ Chủ tịch Intel Media & International Consulting Singapore.
Đây là cơ hội để các doanh nhân học tập những mô hình tiên tiến từ các trường học, doanh nghiệp, trung tâm… phát triển bậc nhất thế giới, từ đó áp dụng một cách linh hoạt vào quá trình xây dựng – phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt và các khu vực kết nối hợp tác thương mại, thu hút vốn đầu tư giữa các bên; cũng như lắng nghe các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi về tình hình, triển vọng và cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông - Trung Âu, Trung Đông.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm