Thị trường hàng hóa
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bối cảnh hiện nay và 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đang chịu tác động, hệ lụy của dịch, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu dùng thủy sản của chúng ta. Bên cạnh đó là tăng giá hàng hóa đối với lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là tăng giá thức ăn chăn nuôi thủy sản.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song 7 tháng đầu năm ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận mức hồi phục nhanh kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua là xuất khẩu được 6,7 tỷ USD, tăng 35%. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Camimex Group (Cà Mau) cho biết, chưa nói đến yếu tố thị trường đang sụt giảm cầu thì hiện tại khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là khan hiếm vì hết mùa vụ. Theo đó, trong khoảng 1 tháng tới công ty vẫn đủ nguyên liệu để sản xuất do có chủ động được một phần nguyên liệu nhưng sau đó sẽ không đáp ứng đủ cho sản xuất, buộc công ty phải lên kế hoạch thu mua từ các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và rộng hơn là các tỉnh miền Trung.
Cùng chung lo lắng, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) - cho biết: Hiện các nhà máy chế biến tôm đều trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Mặc dù doanh nghiệp có khoảng 2.000 ha vùng nuôi tôm, tập trung ở Huế và Bến Tre nhưng chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, phần còn lại doanh nghiệp phải nhập của người dân và các vùng nuôi liên kết.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh. Đầu tiên là vấn đề thức ăn chăn nuôi, trung bình hiện nay, đặc biệt sau dịch, đã tăng khoảng 20%. Giá thành thức ăn chăn nuôi của sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, tác động chi phối rất lớn.
Ngoài ra chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng, nên hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Bờ Tây Mỹ hiện nay đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000 - 12.000 USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của chúng ta. Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng. Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi.
Đại diện Vasep cũng cho biết, tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8 vừa qua, trong khi lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. “Nghĩa là chúng ta sẽ tồn kho, chúng ta sẽ không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng (trong 1 tuần qua) đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. Mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giúp cho các vấn đề đang diễn ra trong 1 tuần qua”, ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.
Vấn đề nữa là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Hiện ngành chúng ta có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường. Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững, nhưng ngành thủy sản đang bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra. Theo đó, nước thải thủy sản không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác. "Rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng", ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm