Thị trường hàng hóa
Để có góc nhìn khái khoát trả lời cho các câu hỏi trên, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã cùng giải pháp chuyên sâu.
Theo chuyên gia khoa học GS. TS Trần Xuân Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đối với ngành, lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đã luôn được Nhà nước quan tâm, chú trọng từ rất sớm, đơn cử từ năm 1973, Viện Vật lý đã nghiên cứu ra đơn thể vật liệu bán dẫn (Ge) và vật liệu cho một số linh kiện bán dẫn (Si); năm 1974, xây dựng được được cấu trúc chùm phân tử (PTN Planar - Epitaxi) và chế tạo ra nguyên lý hoạt động Si Transistor (năm 1975 - 1976)…
Và trong công cuộc nghiên cứu phát triển này, bước đầu Việt Nam đã khẳng định sự làm chủ, hướng đến những công nghệ tương lai. Và bên cạnh công tác nghiên cứu, Việt Nam cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, học tập, nhất là ưu tiên cho các nhà khoa học được cọ sát, tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm đối với ngành, lĩnh vực bán dẫn.
“Hướng đi ưu tiên lựa chọn là cử các chuyên gia sang công tác, làm việc, học tập từ các mô hình thành công ở các nước phát triển thế giới, và đây chính là hy vọng để Việt Nam hướng đến để phát triển cho lĩnh vực quan trọng này”, GS. TS. Trần Xuân Hoài nhấn mạnh.
Cùng với đó, GS. TS. Trần Xuân Hoài cũng nêu bật những thành công điển hình đối với những sản phẩm chip như: chip bán dẫn tích hợp nguồn FPT Semiconductor; vi xử lý Core Intel thế hệ 13... Đông thời, là nơi sản xuất, đóng gói việc sản xuất chip cho các hãng Samsung, Amkor, Viettel…
Tuy nhiên, với chừng đấy kết quả nổi bật, điều này vẫn chưa đủ thoả mãn sự kỳ vọng vươn tầm cao. Vậy để Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, GS. TS. Trần Xuân Hoài cho rằng Nhà nước cần có những quan tâm, ưu tiên nhiều hơn; có sự đầu tư chiều sâu, hiệu quả, thực chất, gắn với các cơ chế, chính sách mở, phù hợp, trong đó cần đẩy mạnh việc: Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Chính phủ Việt Nam; mở cửa để mời, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam.
Đồng thời, cần khuyến khích đội ngũ kỹ sư tốt nhất làm việc cho các tập đoàn chuyên thế mạnh về bán dẫn; chủ động học tập để làm chủ khâu, công đoạn sản xuất phần cứng (fabless); hình thành các nhóm nhỏ có thể khởi sự fabless ở mức thấp; xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên gia công nghệ cho chu kỳ 10 năm…
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc phát triển theo hướng lắp ráp & đo kiểm hoặc có thể trở thành đất nước chuyên cung cấp nguồn nhân lực đạt trình độ, chuyên môn có chiều sâu cho FDI.
Khi nói về yếu tố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, lĩnh vực này, GS. TS. Trần Xuân Hoài cho rằng cần tập trung: Các khóa đào tạo điện - điện tử; khoa học máy tính; kỹ sư vật lý theo yêu cầu và chọn các đối tượng đào tạo là sinh viên có năng lực, trình độ xuất sắc, từ đó đào tạo thêm một học kỳ về thiết kế, chế tạo, lắp ráp đo kiểm chip (số lượng theo yêu cầu)…
“Quan trọng nữa, thầy, cô giáo, chuyên gia nước ngoài khi giảng dạy phải có trình độ là giáo sư, có kinh nghiệm qua thực tế sản xuất. Các trường đào tạo cần phối kết hợp mời các chuyên gia tại các tổ chức, công ty trong và ngoài nước để mở rộng, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành cho các sinh viên…”, GS. TS. Trần Xuân Hoài nhấn mạnh.
Ở quan điểm khác khi nói về nhu cầu nhân lực cũng như các thách thức đang gặp phải, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chúng ta đang có thách thức về: Đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn; nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn, nhanh; cạnh tranh giữa các đơn vị đào tạo; đầu tư cho đào tạo và khoa học công nghệ nhỏ lẻ còn ngắn hạn; sinh viên thiếu khả năng ngoại ngữ; kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng còn cao.
Vì những hạn chế này, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhà nước; sự quan tâm của xã hội và truyền thông; có nhiều cơ chế, chính sách để mở rộng thị trượng nhân lực vi mạch, bán dẫn.
Đặc biệt, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng để Việt Nam tạo thế mạnh, chủ động phát triển ngành, lĩnh vực này cần đi sâu đào tạo nguồn nhân lực ở các vị trí việc làm: Thiết kế (mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tử, phát triển quy trình thiết kế; nghiên cứu phát triển vật liệu hoặc cấu trúc linh kiện); sản xuất (quản lý, thực hiện quy trình sản xuất chip); đóng gói, kiểm thử (kiểm thử chip, quản lý chất lượng vật liệu, thành phần trong đóng gói, kiểm tra); hỗ trợ ứng dụng (phát triển board và firmware hỗ trợ phát triển ứng dụng chip)…
“Muốn đạt hiệu quả đối với các vị trí việc làm trên, yêu cầu trình độ về nguồn nhân lực cần đạt: Thiết kế (cử nhân điện tử viễn thông hoặc điện - điện tử hoặc thạc sỹ, tiến sỹ thiết kế vi mạch bán dẫn - VLSI); sản xuất (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ chuyên ngành điện, điện tử, vật liệu, kỹ thuật…); đóng gói và kiểm thử (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ điện - điện tử, vật lý, tự động hoá…); hỗ trợ ứng dụng (cử nhân điện - điện tử, viễn thông, kỹ thuật máy tính…)”, PGS. TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.
Khi nói về quan điểm, quyết tâm để vươn mình trở thành quốc gia mạnh về công nghiệp chip bán dẫn, từ đó chủ động tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Hoa Kỳ như Nvidia… Điều này sẽ hứa hẹn những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy ngành này phát triển.
Tuy nhiên, để để trở thành một nước có ngành công nghiệp chip bán dẫn phát triển, cần phải có nhà máy sản xuất. Khi có nhà máy thì nhà máy có thể của doanh nghiệp (DN) FDI hoặc DN trong nước đầu tư. Và khi có thiết kế các sản phẩm các chip xong cần có phòng thử nghiệm và tiến hành sản xuất, thương mại.
Hơn nữa, yêu cầu các viện nghiên cứu, trường đại học trong quá trình tạo ra nguồn nhân lực, hoặc có kết quả nghiên cứu cần gắn liền việc xây dựng, thực hiện ra các dự án thương mại hóa. Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của các DN, coi đây là lực lượng chủ chốt, đi đầu.
“DN khi có sức mạnh tiềm lực về vốn, thị trường sẽ dễ đang chủ động sản xuất và thông qua các DN có thể hiện thực hóa dễ dàng các nghiên cứu về chip, thương mại hóa ra thị trường”, ông Nguyễn Quân cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Quân, nếu Việt Nam tự chủ công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp trong nước, điều này sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, cung cấp các sản phẩm chip bán dẫn cho thế giới. Và chỉ khi làm tốt những điều trên, chúng ta sẽ tạo ra lợi thế, điểm nhấn đột phá trong phát triển công nghiệp này cho đất nước.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm