Thị trường hàng hóa
Chip vi mạch “Made in Việt Nam” vẫn là khái niệm mới mẻ không chỉ với quốc tế mà ngay cả người dân trong nước. Trước đó FPT đã từng gây bất ngờ khi công bố sản xuất thành công chip vi mạch IC của Việt Nam.
Đến hôm nay, hình ảnh con chip IoT y tế đầu tiên của FPT đã chính thức lộ diện trên fanpage FPT Semiconductor. Kế hoạch sản xuất chip đầy táo bạo của FPT đã mở ra cơ hội mới cho ngành sản xuất chip, chất bán dẫn, thiết kế vi mạch tại Việt Nam, tiếp nối nền tảng từ thành công của nhà máy bán dẫn Z181 trước đó.
Theo ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, logo của FPT đã gắn bản quyền lên con chip IoT y tế. Không còn là kế hoạch, chip FPT IoT cho y tế đã thành sản phẩm thương mại, được khách hàng kiểm tra và xác nhận chất lượng và tính năng của sản phẩm. Đây là một cách đánh dấu cột mốc quan trọng của FPT Semiconductor trên hành trình sản xuất tại Việt Nam trên toàn cầu, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.
Công ty cho biết con chip có kích thước ước tính 3,5 mm x 4,5 mm. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) này được các kỹ sư của FPT trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Trong 2 năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Công ty kỳ vọng sẽ đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
FPT Semiconductor đang đặt mục tiêu vươn lên trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho các công ty, tập đoàn ở trong nước. Các sản phẩm chip của doanh nghiệp sẽ được phân phối tại các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Thời gian tới, FPT Semiconductor có kế hoạch thiết kế và thương mại hóa sản phẩm chip, đưa những dòng chip đến với thị trường trong nước và nước ngoài khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu...
Hệ sinh thái công nghệ Made by FPT được phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ lõi gồm AI, Blockchain, Cloud, IoT và Lowcode; có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực trọng yếu. Đây là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của tập đoàn trong dài hạn.
Vào năm 1979, nhà máy bán dẫn Z181 ra đời sản xuất, xuất khẩu diode (một loại linh kiện bán dẫn), transistor (linh kiện bán dẫn chủ động). Đến năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) được thành lập và đào tạo được đội ngũ hàng trăm kỹ sư thiết kế chip, thiết kế thành công một số vi mạch mang thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, những năm 90 thế kỷ trước Nhà máy Z181 thông báo dừng việc sản xuất bán dẫn. Do vậy, đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện thêm nhà máy sản xuất bán dẫn mà chỉ có nhà máy của Intel và một số công ty FDI làm công đoạn máy lắp ráp, gia công, đóng gói.
Trong khi đó, nhu cầu trong nước vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài như: Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix. Đơn vị chip IoT y tế đầu tiên của FPT ra đời đã hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Hiện, chip vi mạch bán dẫn tích hợp đóng vai trò tiên quyết trong các thiết bị, quyết định hiệu suất làm việc và ảnh hưởng lớn đến giá thành của tất cả các hệ thống điện tử. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm