Thị trường hàng hóa
Chia sẻ về vấn đề liên quan đến chứng chỉ rừng tại Việt Nam và giải pháp phát triển rừng trồng có chứng chỉ tại vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc VFCO cho rằng, muốn phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ, đầu tiên phải quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cung cấp chứng chỉ rừng; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ rừng, bảo hiểm rừng trồng…
Điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và sàn giao dịch gỗ lớn và gỗ có chứng chỉ rừng.
Ông Tiệp cho biết, thông tin về rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ hiện nay rất khiêm tốn, khó tìm kiếm. Đôi khi doanh nghiệp muốn mua, người dân muốn bán rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ, gỗ có chứng chỉ rừng nhưng không tìm thấy nhau. Bởi vậy, nếu đưa rừng gỗ lớn lên sàn thương mại sẽ tạo cơ hội cho người dân và doanh nghiệp liên doanh liên kết, đáp ứng cung-cầu, đôi bên cùng có lợi.
Để phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ, theo ông Tiệp, rất cần có vốn vay ưu đãi cho trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ rừng.
Cùng với đó là đa dạng hóa chứng chỉ rừng theo điều kiện của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường.
Hiện nay Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã được Tổ chức chứng nhận chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) chứng thực và có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế với thương hiệu VFCS/PEFC.
Cùng với chứng chỉ FSC đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm trước, chứng chỉ VFCS/PEFC cung cấp lựa chọn mới cho các doanh nghiệp và người trồng rừng; tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng rừng.
Bởi vậy, theo ông Tiệp, hoạt động đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho từng địa phương mà đặc biệt là nâng cao năng lực và huy động sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ khuyến nông cần được coi là điểm nhấn trong các giải pháp thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng.
Hệ thống khuyến nông có nhiều kinh nghiệm, được tổ chức bài bản từ cấp TW đến cấp cơ sở hứa hẹn sẽ là nguồn nhân lực quan trọng cả về chất lượng và số lượng.
Việc tổ chức đào tạo cần linh hoạt thông qua xây dựng các bài giảng, tài liệu, tài liệu online, video ngắn phù hợp với từng đối tượng người học.
Về kỹ thuật phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ, ông Tiệp khuyến nghị cần sử dụng giống có chất lượng cao, được kiểm soát nguồn gốc; áp dụng các biện pháp quản lý lập địa, biện pháp thâm canh nâng cao năng suất rừng cũng như các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nâng cao chất lượng gỗ, quản lý sâu bệnh hại rừng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm