Thị trường hàng hóa
Thương mại toàn cầu có mối liên hệ mật thiết, “sống còn” với logistics, những khả năng tích hợp, mua - bán, sáp nhập, các tiến bộ công nghệ và chính sách về môi trường sẽ là những động lực chính cho sự thay đổi lĩnh vực này trong thời gian tới. Mặc dù yếu tố tác động đến logistics khác nhau giữa các khu vực, nhưng xu hướng chung cho thấy thị trường logistics phát triển nhanh nhất hiện tại là châu Á - Thái Bình Dương.
Sự tăng trưởng này được dự đoán sẽ tăng tốc hơn nữa khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trong khu vực giàu có hơn. Điều này nghĩa là các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia sẽ có mức tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới.
Ở châu Âu, Bắc Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó, khu vực Mỹ Latinh và các quốc gia châu Phi như Nigeria, Nam Phi đang có mức tăng trưởng nổi bật. Ngành công nghệ đang phát triển ở Argentina và Brazil cũng cho thấy nhiều tiềm năng cho thị trường dịch vụ logistics tại đây.
Sự ổn định của chuỗi cung ứng hiện đang bị đe dọa do các cuộc xung đột đang diễn ra. Về lâu dài, hoạt động phát triển logistics có thể chững lại ở châu Âu và tiếp tục hướng về châu Á.
Bên cạnh chuyển đổi ở từng khu vực, vận chuyển đa kênh cũng là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp logistics lưu tâm. Vận chuyển đa kênh khác với vận chuyển truyền thống vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng hóa qua nhiều kênh. Thay vì chỉ chuyển hàng hóa xuyên quốc gia, một kho hàng duy nhất có thể cung cấp dịch vụ trả hàng, đóng gói và vận chuyển toàn cầu.
Sự tăng trưởng và mở rộng của vận chuyển đa kênh có thể do "hiệu ứng Amazon". Theo đó, các nhà bán lẻ truyền thống cung cấp nhiều điểm tiếp xúc đa kênh hơn để tăng lượng khách hàng trung thành. Vận chuyển đa kênh cũng cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch, kể cả trực tiếp hay trực tuyến cho khách hàng.
Công nghệ RFID đang ngày một phát triển không chỉ trong sản xuất, quản lý mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ RFID (tiếng Anh: Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng đối tượng qua tần số vô tuyến. Kỹ thuật này cho phép nhận biết các đối tượng thông qua hệ thống thu phát sóng radio, giúp truyền và nhận dữ liệu từ một điểm đến một điểm khác. Từ đó, hệ thống có thể giám sát, quản lý hoặc lưu vết từng đối tượng.
Công nghệ RFID ra đời từ những năm 1970 và hiện tại đang được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như chìa khóa xe hơi, thẻ lệ phí quốc lộ, thẻ khách sạn… Công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) được dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.
Dù RFID không mang lại nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian qua nhưng những tiến bộ gần đây có khả năng hỗ trợ công ty logistics tối ưu hóa lộ trình, theo dõi hàng hóa theo thời gian thực. Việc triển khai hiệu quả công nghệ RFID sẽ là chìa khóa hỗ trợ xe tải, pallet và hàng tồn kho, cung cấp thông tin chi tiết về toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bên cạnh RFID, điện toán đám mây (Cloud Computing) cũng cần được lưu ý. Điện toán đám mây (hay còn gọi là điện toán máy chủ ảo) cung cấp các công nghệ, tài nguyên máy tính liên kết với mạng Internet. Với mô hình điện toán đám mây, người dùng sẽ được tiếp cận các tài nguyên từ công nghệ, năng lượng điện toán, lưu trữ cơ sở dữ liệu đến từ những nhà cung cấp dịch vụ đám mây.
Hiện, công nghệ đám mây rất quan trọng với các công ty logistics, cho phép các công ty hoạt động từ xa trên mạng lưới logistics rộng lớn. Tiếp tục áp dụng các công nghệ đám mây và tích hợp chúng vào các mô hình kinh doanh hiện có sẽ hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của thị trường logistics.
Tuy nhiên, các công ty cũng cần lưu ý phát triển song song công nghệ đi cùng việc nâng cấp bảo mật an ninh mạng. Trong năm qua, các cuộc tấn công mạng tăng hơn 30% so với trước đây. Các cuộc tấn công này thường tập trung vào chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các công ty cung cấp dịch vụ logistics.
Các công ty logistics 3PL và 4PL đặc biệt gặp rủi ro vì họ phục vụ nhiều dịch vụ tiềm năng như chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng... Để tránh những rủi ro này, các công ty logistics cần tiếp tục đầu tư và tái đầu tư vào an ninh mạng.
Tính bền vững và làn sóng toàn cầu hóa
Bất chấp logistics đang đứt gãy, nghiên cứu thị trường của Forto và FourKites cho thấy, tính bền vững vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với khách hàng. Đây là một vấn đề then chốt đối với chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu trong tương lai gần và là động lực thúc đẩy mọi ngành công nghiệp khác.
Nhiều nhà sản xuất toàn cầu đang đưa tính bền vững vào kế hoạch kinh doanh của họ. Các quy định về tính bền vững cần chặt chẽ hơn về khí thải từ các phương tiện vận chuyển, giám sát ô nhiễm tàu chở hàng và các vấn đề khác.
Các nhà cung cấp dịch vụ 4PL (cung cấp dịch vụ logistics thứ 4) sẽ quản lý toàn bộ hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng như lưu trữ, quy trình, thu mua và phân phối. Nhiều mô hình vận chuyển đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt đều sẽ chuyển đổi khi các công nghệ mới và nhu cầu của người tiêu dùng sẽ "cách mạng hóa" ngành này.
Trong quá trình chuyển đổi, việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự thích nghi với sự đổi mới đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong tương lai, số lượng người lao động nghỉ việc được dự báo tăng lên, định hình lại cấu trúc xã hội của nền kinh tế toàn cầu đáng kể. Nhu cầu về mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn và cơ hội làm việc từ xa là động lực của nhiều người lao động. Do đó, các công ty logistics phải ứng phó và thích ứng khi tình trạng thiếu nhân công xuất hiện.
Làn sóng toàn cầu hóa đã tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đem đến cả cơ hội và thách thức mới đối với phát triển toàn cầu. Nhiều quy định và luật sẽ được mở rộng để tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu.
Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ logistics phải nhận thức được những thay đổi ảnh hưởng đến thị trường của họ. Trong đó, họ cần phải kiểm tra dữ liệu, cung cấp đường truyền dữ liệu và dữ liệu khách hàng trong suốt quá trình logistics. Cuối cùng, các nhà cung cấp phải cập nhật thông tin và dữ liệu thường xuyên để duy trì tính cạnh tranh.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm