Thị trường hàng hóa
Logistics hiểu đơn giản nhất là ngành dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ngày nay, logistics không chỉ giữ vai trò then chốt trong các hoạt động kho bãi, giao nhận vận tải, luân chuyển hàng hóa mà còn góp phần là cầu nối thương mại liên kết giữa nơi sản xuất với người tiêu dùng.
Đất nước nào có ngành logistics phát triển sẽ có nền kinh tế tăng trưởng cao bởi nó góp phần quảng bá và phân phối sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hạ giá thành và thúc đẩy sức mua trong thị trường. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Những năm gần đây, logistics Việt Nam đang dần được chú trọng và khẳng định vị thế của mình với sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics, dự kiến đến năm 2030 nhu cầu nguồn nhân lực về logistics sẽ cần 200.000 lao động. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Trên thực tế, quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Trong khi đó, nhân lực logistics ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được lấy từ các đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận vận tải biển và sử dụng theo khả năng hiện có.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy, 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp buộc lòng phải đào tạo chuyên môn, quá trình này tốn không ít thời gian, chi phí và công sức. Chính vì vậy, những lao động được đào tạo bài bản về logistics luôn là mục tiêu săn đón của rất nhiều doanh nghiệp.
Các công ty logistics luôn tìm kiếm các ứng viên hội tụ đầy đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics.
Khảo sát cũng chỉ ra logistics là ngành có mức lương đáng mơ ước hiện nay. Tại Việt Nam, nhân viên Logistics có mức lương trung bình từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, có chuyên môn tốt thì mức lương sẽ cao hơn. Đối với vị trí quản lý (Logistics Manager), mức lương dao động từ 3.000 – 4.000 USD/tháng (khoảng 69 – 92 triệu đồng/tháng). Vị trí Giám đốc chuỗi cung ứng (Supply Chain Director) có mức lương dao động từ 5.000 – 7.000 USD/tháng (114 – 160 triệu đồng).
Công việc ngành logistics có thể chia thành 3 mảng chính là kho bãi, vận chuyển và giao nhận. Người lao động có thể lựa chọn các công việc như nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, nhân viên hiện trường, nhân viên giao nhận vận tải, nhân viên thanh toán quốc tế, nhân viên hải quan, nhân viên chăm sóc khách hàng… Một số vị trí trên các công ty sẵn sàng đào tạo sinh viên mới ra trường hoặc lao động chưa có kinh nghiệm.
Ngoài ra, còn các vị trí khác như điều phối viên, nhân viên kế hoạch thu mua, nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu, chuyên viên quảng cáo,… Đây đều là những vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp lớn, hình thành nên chuỗi cung ứng.
Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường. Do vậy, Việt Nam cần có một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng.
Tag
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm